25/11/2023

Tản mạn về việc học, học Gốc hay học Ngọn ?

Trong truyện "Hiệp khách giang hồ", nhân vật Bạch Lợi Sư Hữu là đệ nhất cao thủ trung nguyên (một trong Thiên Hạ Ngũ Tuyệt) sử dụng quyền và cước, biệt hiệu "Quái Cái", sở hữu Cực Thuần Thâm Thiên Công và tuyệt kỹ lừng danh Bách Liệt Quyền Phong Nha, khuôn mặt trẻ mãi không già (Cực Thuần Thâm Thiên Công). Ông từng là Minh chủ của Tam Đa Môn, tập hợp ba môn phái lẫy lừng vốn thuộc Chính Phái. Sau đó ông hành khất lưu lạc giang hồ. Quái Cái được miêu tả là một con người tuyệt đỉnh thông minh. Ông là người luôn đề cao võ học từ cơ bản.

Thần Công (cũng là một trong Thiên Hạ Ngũ Tuyệt) là người vốn có xuất thân thấp kém, thể chất không thể học nội công một cách bài bản, nên chỉ có thể dựa vào các loại máy móc và vũ khí chế tạo được làm sức mạnh tăng lên. Thần Công là một người cực kỳ ham học võ công, và là một kỹ sư vô cùng thông minh, tuy nhiên luôn mang trong mình một mặc cảm là không có võ công bí kíp đặc biệt mà chủ yếu dựa vào máy móc. Một lần Thần Công đến gặp Quái Cái với ý định học lỏm tuyệt chiêu của Quái Cái. Là người trọng huynh đệ, Quái Cái mặc dù biết nhưng vẫn trình diễn cho Thần Công xem và tỏ ý sẵn lòng dạy cho Thần Công, tuy nhiên kĩ thuật này đòi hỏi 30 năm mới có thể tinh thông nên thông thường phải luyện tập từ năm 9 tuổi. Sẵn mặc cảm tự ái trong mình, Thần Công vô cùng tức giận cho rằng Quái Cái cố tình chế giễu và coi thường y, vì y chỉ mới được dạy Tam Nguyên Tâm Công là thứ nội công nhập môn cực kỳ cơ bản mà ai cũng được học. Trái ngược với suy nghĩ của Thần Công, Quái Cái - một Thiên Hạ Ngũ Tuyệt đã bày tỏ sự kinh ngạc rằng cả đời này chưa chứng kiến ai tu luyện Tam Nguyên Tâm Công mà chăm chỉ tích lũy khổ luyện để đạt nội công thâm hậu như vậy. 


Hàn Phi Quang (Hàn Bảo Quân - đệ tử thứ 6 của Thiên Mã Tướng Quân) là nhân vật chính trong bộ truyện. Hàn Phi Quang vốn xuất phát là người có võ nghệ rất kém cỏi mà chỉ giỏi khinh công (để chuồn khi gặp cao thủ), nhưng lại có năng lực bắt chước không ai sánh nổi. Vì không được học bài bản mà chỉ nhìn qua các cao thủ thi triển rồi bắt chước, nên Hàn Phi Quang chỉ thi triển được tuyệt chiêu na ná chứ không có thực lực. Sau này mới được các cao thủ võ lâm truyền dạy lại và trở thành đại cao thủ, Quái Cái chính là người dạy lại cho Phi Quang từ kiến thức cơ bản nhất. 
Ban đầu, Quái Cái rất ngạc nhiên vì Phi Quang chẳng biết những thứ cơ bản nhất mà chỉ chăm chăm học ngọn.

Từ câu chuyên vui vui trong cuốn truyện tranh Hiệp khách giang hồ, mà ngẫm lại sự học và đào tạo trong lĩnh vực Thẩm định giá.

Trong quá trình tuyển chọn học viên, tôi thường trò chuyện để tìm hiểu xuất phát điểm từng người (tôi kỳ vọng mình có thể điều chỉnh để cá nhân hóa việc dạy học  - personalized education - cho từng học viên). Đồng thời cũng qua trò chuyện và tìm hiểu, tôi gặp rất nhiều Thẩm định viên và những người đang làm, đang học (và cả đang giảng dạy) Thẩm định giá dường như số đông có điểm chung trong việc học tập để duy trì sự tiến bộ liên tục. Đó là họ chỉ muốn học NGỌN và bỏ qua GỐC. 

Rất nhiều bạn đã show diễn những model rất hoành tráng, khi trao đổi sử dụng tối đa những thuật ngữ chuyên ngành mà chính họ còn chưa hiểu hết (hoặc hiểu theo nghĩa đen), chỉ muốn học các mô hình định lượng rất phức tạp, phương pháp cao siêu. Trong khi gốc của các bạn chưa có hoặc chưa vững, một số bạn chưa đủ gốc, học nâng cao không nổi thì lại đổ là tại dạy kỹ quá, người đi làm không có thời gian nghiên cứu kỹ và đọc nhiều tài liệu như vậy, chỉ muốn học kiến thức nâng cao theo kiểu cho sẵn rồi ráp số vào công thức hoặc ráp số vào mô hình cho sẵn. Đây là trường hợp tôi gặp khá nhiều.

Nhưng điều đáng tiếc nhất là hầu hết những người tìm học Thẩm định giá chỉ tìm kiếm các khóa học phải có chữ "Thẩm định giá", "tài chính" đồng thời tiêu đề phải có thêm các tính từ ấn tượng, hoành tráng như: "Chuyên nghiệp", "Chuyên sâu", "Nâng cao", "Bí quyết/Bí kíp", "Cao cấp", "Thực chiến",... Và một khóa học có chữ "Cơ bản" với các chuyên đề từng buổi học có vẻ là các khái niệm quen thuộc thường bị bỏ qua với tâm lý "đã biết rồi". 

Nhưng ngạn ngữ có câu: "Don't judge a book by its cover" (Đừng đánh giá quyển sách qua tấm bìa). "You don't know what you don't know", tôi nghĩ rằng việc học thật vững các kiến thức cơ bản không đem lại tác dụng tức thời kiểu mì ăn liền, nhưng về lâu dài sẽ cực kỳ hiệu quả và hữu ích cho công việc của các bạn. Đó là những gì học viên của tôi đã kiểm chứng và rút ra.


Xác định giá trị tài sản bị chiếm đoạt trong tội “Tham ô tài sản”

 

NỘI DUNG VỤ ÁN:

Phòng giao dịch D là đơn vị trực thuộc Chi nhánh Ngân hàng nông nghiệp và phát triển nông thôn thành phố C, được thành lập theo Quyết định số 1667/QĐ/NHNN-TCCB ngày 02-03-2007 của Tổng Giám đốc Ngân hàng nông nghiệp và phát triển nông thôn Việt Nam, có nhiệm vụ huy động tiền gửi tiết kiệm của dân cư.

Thời gian từ tháng 5-2008 đến tháng 4-2010, Phòng giao dịch D là một quầy giao dịch làm việc chung văn phòng với phòng kế toán Ngân quỹ của Ngân hàng nông nghiệp C. Phòng giao dịch D có 02 nhân viên là:

- Phan Thị Q là kế toán có nhiệm vụ giao dịch với khách hàng, lập các chứng từ thu, chi tiền, mở sổ theo dõi nhật ký quỹ tiền mặt, hạch toán các khoản thu chi vào chương trình giao dịch trên máy vi tính, in phát hành sổ tiết kiệm và lập thẻ lưu tiết kiệm.

- Võ Thị Kim T là thủ quỹ có nhiệm vụ quản lý sổ tiết kiệm trắng chưa phát hành cho khách hàng; quản lý việc thu, chi tiền mặt.

Còn Võ Thị Ánh N là giao dịch viên của phòng Kế toán - Ngân quỹ Ngân hàng nông nghiệp C, có nhiệm vụ quản lý các khoản chi trả chuyển tiền đến cho khách hàng vãng lai, chuyển tiền đi và đến, các nghiệp vụ huy động vốn, hạch toán các khoản thu nợ, thu lãi bằng tiền mặt.

Ngày 12-4-2010, Giám đốc chi nhánh Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thành phố C, phát hiện sai phạm của giao dịch viên đang làm việc tại chi nhánh nên báo cáo lên Chi nhánh Ngân hàng Nhà nước tỉnh Bình Định. Ngày 07-6-2010, Giám đốc Chi nhánh Ngân hàng nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh Bình Định có Công văn số 486/NHNNBĐ-HCNS đề nghị Cơ quan điều tra làm rõ việc chi tiền tiết kiệm tại Phòng giao dịch D cho 02 sổ tiết kiệm NA 222040 tên Đặng Thị Bích D và sổ tiết kiệm NA 1297720 tên Ngô Thanh V, làm thiệt hại cho Ngân hàng với tổng số tiền 774.403.300 đồng. Quá trình điều tra xác định:

- Đối với Phan Thị Q và Võ Thị Kim T đã trực tiếp chi tiền từ quỹ của phòng giao dịch cho sổ tiết kiệm NA 222040 mang tên Đặng Thị Bích D là 200.100.000 đồng và sổ tiết kiệm NA 1297720 mang tên Ngô Thanh V là 102.870.600 đồng; tổng cộng là 302.970.600 đồng (200.100.000 + 102.870.600 = 302.970.600 đồng) mà không kiểm tra chứng minh thư nhân dân của khách hàng để đối chiếu, dẫn đến thiệt hại cho Ngân hàng số tiền trên.

- Đối với Võ Thị Ánh N đã trực tiếp làm các thủ tục và chi tiền từ quỹ của chi nhánh Ngân hàng do Võ Thị Ánh N quản lý cho sổ tiết kiệm NA 1297720 mang tên Ngô Thanh V, tổng số tiền 471.432.700 đồng, gồm các lần sau:

Ngày 31-7-2009, Võ Thị Ánh N chi 23.124.400 đồng bao gồm 20.000.000 đồng tiền gốc và 3.124.400 đồng tiền lãi.

Ngày 03-11-2009, Võ Thị Ánh N chi 448.308.300 đồng bao gồm 375.000.000 đồng tiền gốc và 73.308.300 đồng tiền lãi.

Riêng đối với lần chi ngày 03-11-2009, Cơ quan điều tra đã xác định Võ Thị Ánh N đã chuyển 251.000.000 đồng vào tài khoản ATM mang tên Võ Thị T (thẻ này do Võ Thị Ánh N quản lý, sử dụng và giao dịch nhiều lần). Sau đó, Võ Thị Ánh N đã rút 251.000.000 đồng từ tài khoản ATM của bà Võ Thị T nhiều lần để chiếm đoạt.

Số tiền còn lại từ việc chi trả cho sổ tiết kiệm bậc thang NA 1297720 mang tên Ngô Thanh V nhưng Võ Thị Ánh N không chứng minh được người nhận tiền nên đã gây thiệt hại cho Ngân hàng 220.432.700 đồng. Do trong quá trình điều tra, bị cáo Võ Thị Ánh N đã khắc phục xong số tiền này nên Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Bình Định không truy tố bị cáo về hành vi này.

Tại Bản án hình sự sơ thẩm số 106/2013/HSST ngày 14-8-2013, Tòa án nhân dân thành phố C, tỉnh Bình Định đã áp dụng điểm c khoản 2 Điều 278; các điểm b, p khoản 1, khoản 2 Điều 46; Điều 47 Bộ luật Hình sự xử phạt Võ Thị Ánh N 03 năm tù về tội “Tham ô tài sản”.

Ngày 27-8-2013, Võ Thị Ánh N có đơn kháng cáo xin hưởng án treo.

Tại Bản án hình sự phúc thẩm số 30/2014/HSPT ngày 24-02-2014, Tòa án nhân dân tỉnh Bình Định căn cứ vào điểm b khoản 2 Điều 248; điểm đ khoản 2 Điều 249 Bộ luật Tố tụng hình sự chấp nhận kháng cáo xin hưởng án treo của bị cáo Võ Thị Ánh N, áp dụng điểm c khoản 2 Điều 278, các điểm b, p khoản 1, 2 Điều 46, Điều 47 và Điều 60 Bộ luật Hình sự xử phạt Võ Thị Ánh N 03 năm tù về tội “Tham ô tài sản” nhưng cho hưởng án treo, thời gian thử thách là 05 năm.

Tại Kháng nghị giám đốc thẩm số 02/2015/KN-HS ngày 09-02-2015, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao đề nghị Hội đồng giám đốc thẩm Tòa hình sự Tòa án nhân dân tối cao hủy Bản án hình sự phúc thẩm số 30/2014/HSPT ngày 24-02-2014 của Tòa án nhân dân tỉnh Bình Định và Bản án hình sự sơ thẩm số 106/2013/HSST ngày 14-8-2013 của Tòa án nhân dân thành phố C, tỉnh Bình Định đối với Võ Thị Ánh N để điều tra lại theo đúng quy định của pháp luật.

Tại phiên tòa giám đốc thẩm, đại diện Viện kiểm sát nhân dân tối cao đề nghị Hội đồng giám đốc thẩm chấp nhận Kháng nghị của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao.

NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN:

[1] Võ Thị Ánh N không được lãnh đạo Ngân hàng nông nghiệp C giao nhiệm vụ chi tiền tiết kiệm nhưng lợi dụng sự sơ hở trong quá trình quản lý của Ngân hàng, Võ Thị Ánh N đã nhiều lần trực tiếp làm các thủ tục và chi tiền tiết kiệm từ quỹ của chi nhánh ngân hàng do Võ Thị Ánh N quản lý cho sổ tiết kiệm NA 1297720 mang tên Ngô Thanh V với tổng số tiền là 471.432.700 đồng. Trong quá trình điều tra, Cơ quan điều tra đã xác định không có khách hàng nào tên Ngô Thanh V và bản thân Võ Thị Ánh N cũng không chứng minh được ai là người đến nhận số tiền này.

[2] Sau khi làm thủ tục chi tiền cho khách hàng Ngô Thanh V, Võ Thị Ánh N đã chuyển 251.000.000 đồng là tiền trong quỹ của ngân hàng do Võ Thị Ánh N quản lý vào tài khoản ATM mang tên Võ Thị T do Võ Thị Ánh N là người trực tiếp mở thẻ, quản lý và sử dụng; sau đó nhiều lần rút số tiền này để chiếm đoạt của Ngân hàng nông nghiệp C. Tòa án cấp sơ thẩm và Tòa án cấp phúc thẩm đã kết án Võ Thị Ánh N về tội “Tham ô tài sản” đối với số tiền 251.000.000 đồng là có căn cứ và đúng pháp luật. Tuy nhiên, số tiền mà Võ Thị Ánh N chiếm đoạt của Ngân hàng là 251.000.000 đồng nên hành vi phạm tội của Võ Thị Ánh N thuộc trường hợp quy định tại điểm a khoản 3 Điều 278 Bộ luật Hình sự “Chiếm đoạt tài sản có giá trị từ hai trăm triệu đồng đến dưới năm trăm triệu đồng” có khung hình phạt tù từ mười lăm năm đến hai mươi năm. Tòa án cấp sơ thẩm chỉ áp dụng khoản 2 Điều 278 Bộ luật Hình sự xử phạt bị cáo Võ Thị Ánh N 03 năm tù là quá nhẹ, không đúng với quy định của pháp luật. Khi xét xử phúc thẩm, Tòa án cấp phúc thẩm không phát hiện ra sai lầm của Tòa án cấp sơ thẩm, vẫn giữ nguyên mức hình phạt và cho bị cáo hưởng án treo là sai lầm nghiêm trọng, không đánh giá đúng tính chất nguy hiểm của hành vi phạm tội do bị cáo gây ra.

[3] Đối với số tiền còn lại 220.432.700 đồng (471.432.700 - 251.000.000 = 220.432.700 đồng) mà Võ Thị Ánh N đã chi trả cho sổ tiết kiệm bậc thang NA 1297720 mang tên Ngô Thanh V, Võ Thị Ánh N đã khắc phục xong hậu quả, Ngân hàng nông nghiệp và phát triển nông thôn thành phố C đã thu hồi được toàn bộ số tiền bị mất. Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Bình Định cho rằng bị cáo đã khắc phục hậu quả nên không truy tố về hành vi này là bỏ lọt tội phạm.

Bởi các lẽ trên, căn cứ vào khoản 2 Điều 279; khoản 3 Điều 285, Điều 287 Bộ luật Tố tụng hình sự,

QUYẾT ĐỊNH:

1. Hủy Bản án hình sự phúc thẩm số 30/2014/HSPT ngày 24-02-2014 của Tòa án nhân dân tỉnh Bình Định và Bản án hình sự sơ thẩm số 106/2013/HSST ngày 14-8-2013 của Tòa án nhân dân thành phố C, tỉnh Bình Định đối với Võ Thị Ánh N để điều tra lại theo đúng quy định của pháp luật.

2. Chuyển hồ sơ vụ án cho Viện kiểm sát nhân dân tối cao giải quyết theo thẩm quyền.

Các quyết định khác của bản án hình sự phúc thẩm và sơ thẩm nêu trên không bị kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm tiếp tục có hiệu lực pháp luật.

 

 
NỘI DUNG ÁN LỆ

“[3] Đối với số tiền còn lại 220.432.700 đồng (471.432.700 - 251.000.000 = 220.432.700 đồng) mà Võ Thị Ánh N đã chi trả cho sổ tiết kiệm bậc thang NA 1297720 mang tên Ngô Thanh V, Võ Thị Ánh N đã khắc phục xong hậu quả, Ngân hàng nông nghiệp và phát triển nông thôn thành phố C đã thu hồi được toàn bộ số tiền bị mất. Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Bình Định cho rằng bị cáo đã khắc phục hậu quả nên không truy tố về hành vi này là bỏ lọt tội phạm.”

Nguồn án lệ:

Quyết định giám đốc thẩm số 09/2015/HS-GĐT ngày 23-4-2015 của Tòa Hình sự Tòa án nhân dân tối cao về vụ án “Tham ô tài sản” đối với bị cáo: Võ Thị Ánh N, sinh năm 1981; trú tại số 17, đường A, phường B, thành phố C, tỉnh Bình Định.

Ngoài ra, trong vụ án còn có Phan Thị Q bị kết án về tội “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”; Võ Thị Kim T bị kết án về tội “Thiếu trách nhiệm gây thiệt hại nghiêm trọng đến tài sản của Nhà nước”.

Vị trí nội dung án lệ:

Đoạn 3 phần “Nhận định của Tòa án”.

Khái quát nội dung án lệ:

- Tình huống án lệ:

Bị cáo lợi dụng sơ hở trong quản lý của ngân hàng, nhiều lần trực tiếp làm thủ tục rút và chi tiền tiết kiệm từ quỹ của chi nhánh ngân hàng do bị cáo quản lý nhưng thực tế không chi trả cho bất kỳ ai mà bị cáo đã sử dụng số tiền này.

Quá trình điều tra bị cáo đã khắc phục được một phần số tiền mà bị cáo đã chiếm đoạt.

- Giải pháp pháp lý:

Trường hợp này, bị cáo phải chịu trách nhiệm hình sự về tội “Tham ô tài sản”.

Giá trị tài sản mà bị cáo chiếm đoạt phải xác định là toàn bộ số tiền mà bị cáo đã làm thủ tục rút và chi tiền tiết kiệm khống từ quỹ của chi nhánh ngân hàng (bao gồm cả số tiền bị cáo đã khắc phục trong quá trình điều tra).

Quy định của pháp luật liên quan đến án lệ:

Điểm b, p khoản 1, khoản 2 Điều 46; Điều 47; Điều 60; điểm c khoản 2 Điều 278 Bộ luật Hình sự năm 1999 (tương ứng với điểm b, s Điều 51; Điều 54; Điều 65, điểm c khoản 2 Điều 353 Bộ luật Hình sự năm 2015);

Từ khóa của án lệ:

“Tội tham ô tài sản”; “Giá trị tài sản chiếm đoạt”; “Khắc phục một phần hậu quả”, “Các tội xâm phạm sở hữu”.

(Theo Án lệ số 19/2018/AL được Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao thông qua ngày 17 tháng 10 năm 2018 và được công bố theo Quyết định số 269/QĐ-CA ngày 06 tháng 11 năm 2018 của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao.)

21/11/2023

Khối tài sản Vạn Thịnh Phát thế chấp tại SCB được định giá lại còn bao nhiêu ?

KHỐI TÀI SẢN 1,2 TRIỆU TỶ VẠN THỊNH PHÁT THẾ CHẤP TẠI SCB ĐƯỢC ĐỊNH GIÁ LẠI CÒN BAO NHIÊU?

Theo kết luận điều tra của Cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an về vụ án xảy ra tại Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, Ngân hàng SCB và các đơn vị có liên quan, đến ngày 17/10/2022, tại SCB có 1.284 khoản vay của 875 khách hàng là các khoản vay của nhóm bà Trương Mỹ Lan, Vạn Thịnh Phát.
Tổng dư nợ tại thời điểm ngày 17/10/2022 là 677.286 tỷ đồng trong đó gồm 483.917 tỷ đồng nợ gốc, 193.315 tỷ đồng nợ lãi, thuộc nợ nhóm 5 không có khả năng thu hồi.
Sau khi Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an khởi tố vụ án “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” xảy ra tại Tập đoàn Vạn Thinh Phát ngày 8/10/2022, công ty kiểm toán độc lập và công ty thẩm định giá đã được thuê để thực hiện đánh giá tổng thể thực trạng Ngân hàng SCB và định giá các tài sản tại SCB.
Kết quả, Công ty Thẩm định giá Hoàng Quân xác định giá trị các tài sản của Ngân hàng SCB là 295.940 tỷ đồng, trong đó 5.946 tỷ đồng là tài sản cố định, 289.994 tỷ đồng là tài sản bảo đảm bảo của các khoản vay còn dư nợ (bao gồm các khoản vay đã bán nợ cho VAMC, bán nợ trả chậm, cấn trừ nợ, bán tài sản trả chậm).
Liên quan đến các khoản vay của nhóm Trương Mỹ Lan - Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, trong giai đoạn từ ngày 1/1/2012 đến ngày 7/10/2022, có 1.166 mã tài sản đảm bảo cho 1.284 khoản vay có giá trị theo sổ sách là 1.265.504 tỷ đồng.
Trong đó, Công ty Thẩm định giá Hoàng Quân định giá 726 mã tài sản có giá trị định giá lại được phân bổ là 253.561 tỷ đồng. Số còn lại không định giá với giá trị sổ sách phân bổ là 622.476 tỷ đồng. Lý do là các tài sản là cổ phần cổ phiếu, quyền tài sản, bất động sản không đủ hồ sơ, pháp lý tài sản, một số tài sản không thuộc phạm vi định giá lại.
Trong số 726 tài sản nói trên, có 517 mã tài sản có đủ pháp lý thế chấp/cầm cố để đươc tính giá trị tài sản khi thực hiện trích lập dự phòng rủi ro, giá trị phân bổ theo tờ trình và/hoặc Hợp đồng thế chấp/Cầm cố là 179.196 tỷ đồng.
Hơn 200 mã tài sản còn lại không có đủ điều hiện pháp lý (chưa có hợp đồng thế chấp/cầm cố, hợp đồng thế chấp chưa được công chứng, tài sản chưa đăng ký giao dịch đảm bảo quy định,...) do vậy SCB không thể tiến hành xử lý tài sản, không đủ điều kiện để được tính giá trị tài sản khi trích lập dự phòng rủi ro.
Nếu phân chia chi tiết theo hai giai đoạn thời gian, giá trị các tài sản thế chấp được xác định như sau:
Giai đoạn 1 được xác định với các khoản vay được giải ngân từ ngày 1/1/2012 đến ngày 31/12/2017, có 204 mã tài sản đảm bảo cho 368 khoản vay có liên quan đến trách nhiệm của bà Trương Mỹ Lan và đồng phạm, còn dư nợ 132.247 tỷ đồng (gồm 68.305 tỷ đồng nợ gốc, 63.942 tỷ đồng nợ lãi).
Công ty Thẩm định giá Hoàng Quân chỉ định giá 195 mã tài sản có tổng trị giá 78.214 tỷ đồng tại thời điểm ngày 30/9/2022; 9 mã tài sản không định giá vì các tài sản là cổ phần cổ phiếu, quyền tài sản của các công ty, tài sản không đủ pháp lý.
Mặc dù vậy, theo đánh giá của Ngân hàng SCB thì chỉ có 96/195 mã tài sản có đủ pháp lý để trích lập dự phòng rủi ro, giá trị phân bổ theo các hợp đồng là 67.626 tỷ đồng, số còn lại 99/195 mã tài sản không có đủ pháp lý (chưa có hợp đồng thế chấp, hợp đồng thế chấp chưa được công chúng, hoặc tài sản là bất động sản chưa đăng ký giao dịch đảm bảo...).
Giai đoạn hai được xác định với các khoản vay được giải ngân từ 1/1/2018 đến 7/10/2022, có 982 mã tài sản đảm bảo cho 916 khoản vay có liên quan đến trách nhiệm của bà Trương Mỹ Lan và đồng phạm còn dư nợ 545.039 tỷ đồng (gồm 415.667 tỷ đồng nợ gốc, 129.373 tỷ đồng nợ lãi).
Công ty Thẩm định giá Hoàng Quân chỉ định giá được 546 mã tài sản có tổng trị giá 175.349 tỷ đồng tại thời điểm ngày 30/9/2022; 436/982 mã tài sản không định giá, vì tài sản là cổ phần, cổ phiếu, quyền tài sản của các công ty, tài sản không đủ pháp lý.
Theo đánh giá của Ngân hàng SCB thì chỉ có 424/546 mã tài sản Công ty Thẩm định giá Hoàng Quân đã định giá có đủ pháp lý để trích lập dự phòng rủi ro, giá trị phân bổ theo tờ trình và/hoặc Hợp đồng thế chấp/Cầm cố là 111.570 tỷ đồng.
Số còn lại 122 mã tài sản không có đủ pháp lý (chưa có hợp đồng thế chấp, hợp đồng thế chấp chưa được công chứng, hoặc tài sản là bất động sản chưa đăng ký giao dịch đảm bảo...).

NÂNG KHỐNG GIÁ TRỊ, RÚT RUỘT TÀI SẢN THẾ CHẤP

Kết luận điều tra cũng chỉ ra một số thủ đoạn "biến hoá" tài sản đảm bảo tại ngân hàng của bà Trương Mỹ Lan như: nâng khống giá trị, hoán đổi rút tài sản có pháp lý, có giá trị để bán.
Điển hình của việc đưa tài sản không đủ pháp lý và nâng khống giá trị là các khoản vay liên quan đến tài sản bảo đảm là dự án Mũi Đèn Đỏ.
Cụ thể, Ngân hàng SCB đã giải ngân 100 khách hàng/137 khoản vay liên quan đến tài sản đảm bảo là dự án Mũi Đèn Đỏ còn dư nợ 133.710 tỷ đồng, gốc 107.923 tỷ đồng, lãi 26.317 tỷ đồng (chiếm 22% tổng dư nợ gốc nhóm Trương Mỹ Lan tại Ngân hàng SCB).
Tài sản bảo đảm trên sổ sách là 584.487 tỷ đồng, trong đó tài sản bảo đảm là phần vốn góp, cổ phần là 433.473 tỷ đồng; Quyền tài sản phát sinh từ dự án Mũi Đèn Đỏ là 147.650 tỷ đồng; Các bất động sản, quyền tài sản khác là 3.363 tỷ đồng.
Trong khi đó, Công ty Thẩm định giá Hoàng Quân chỉ định giá trị 22.003 tỷ đồng. Tài sản bảo đảm là phần vốn góp, cổ phần không định giá được (vì cổ phần đã định giá trị vào quyền tài sản phát sinh từ dự án mũi đèn đỏ là 18.317 tỷ đồng); Quyền tài sản phát sinh từ dự án Mũi Đèn Đỏ là 18.317 tỷ đồng; Các bất động sản khác: là 3.686 tỷ đồng.
SCB đánh giá về tài sản bảo đảm đủ căn cứ pháp lý để trích lập dự phòng rủi ro với giá trị là 17.597 tỷ đồng, trong đó, quyền tài sản phát sinh từ dự án Mũi Đèn Đỏ là 17.597 tỷ đồng, các bất động sản khác là 0 đồng.
Ngoài thủ đoạn rút ruột Ngân hàng SCB bằng tiền, bà Trương Mỹ Lan còn chỉ đạo các đối tượng rút ruột bằng việc hoán đổi, rút các tài sản đảm bảo có giá trị ra khỏi ngân hàng để sử dụng cho các mục đích của mình.
Kết quả điều tra xác định, trong số 1.284 khoản vay của nhóm Vạn Thịnh Phát có 240 tài sản bảo đảm/430 khoản vay bị hoán đổi tài sản bảo đảm (trong đó có nhiều khoản vay hoán đổi tài sản nhiều lần (12 lần).
Giá trị tài sản khi đưa vào thế chấp được định giá trị trên sổ sách là 487.451 tỷ đồng, nhưng sau khi bị hoán đổi thành 278 tài sản bảo đảm đến nay giá trị trên sổ sách là 351.948 tỷ đồng. Công ty Thẩm định giá Hoàng Quân chỉ định giá được 260/278 tài sản với tổng trị giá hơn 108.109 tỷ đồng (thời điểm ngày 30/9/2022).
Trong số 240 tài sản bảo đảm bị hoán đổi thì có 67 tài sản đã bị xuất hẳn ra khỏi hệ thống quản lý của Ngân hàng SCB, có nhiều tài sản có giá trị lớn, chuyển thành nhóm Vạn Thịnh Phát sở hữu, như: Tòa nhà Sherwood Resident tại 127 Pasteur; Tòa nhà 66 Phó Đức Chính, TP HCM, cũng có nhiều tài sản đã chuyển nhượng cho bên khác hoặc chuyển sở hữu nước ngoài không thể tiến hành kê biên, phong tỏa được.

Hiện Cơ quan điều tra cũng đã kê biên, phong tỏa, thu giữ, tạm giữ tài sản liên quan đến bà Trương Mỹ Lan và các đồng phạm với tổng số tiền thu giữ là gần 590 tỷ đồng và gần 15 triệu USD cùng nhiều tài sản là bất động sản, du thuyền, xe hơi,... nhằm phục vụ cho vụ án.

13/11/2023

Sai phạm của Thẩm định viên trong việc thẩm định giá AVG (Mobifone) - Phần 1

 1.    Các bên có liên quan

Công ty cổ phần nghe nhìn Toàn Cầu (viết tắt là AVG) được thành lập theo Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp lần đầu số 4603000583 ngày 15/8/2008 do Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Bình Dương cấp, vốn điều lệ là 300 tỷ  đồng. Người đại diện theo pháp luật Phạm          Nhật Vũ, Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng giám đốc.

Danh sách cổ đông sáng lập gồm:

§  Công ty Viễn thông và truyền hình An viên;

§  Ngân hàng đầu tư và phát triển Việt Nam,

§  Công ty dịch vụ truyền thanh truyền hình Hà Nội;

§  Công ty TNHH sản xuất chương trình nghe nhìn Nhân Văn;

§  Công ty Cổ phần tổ chức biểu diễn Venus.

Vốn điều lệ của AVG  tại thời điểm 31/12/2014 là 2.150 tỷ đồng; tại thời điểm thẩm định giá trị doanh nghiệp ngày 31/3/2015 3.628 tỷ đồng, trong đó:

§  Công ty cổ phần Viễn thông  Truyền thông An Viên nắm giữ 391,3 tỷ đồng, chiếm 10,78%;

§  Công ty TNHH Giải  pháp tích hợp công nghệ cao nắm giữ 110,69592 tỷ đồng, chiếm 3,05%;

§  Các cổ đông là cá nhân nắm giữ 3.126,004 tỷ đồng, chiếm 86,17% bao gồm:

ü  Ông Phạm Nhật   2.013,0011 tỷ đồng, chiếm 55,49%;

ü  Bà Hoàng Thanh Hằng 574,3644 tỷ đồng, chiếm 15,83%;

ü  Bà Nguyễn Thùy Trang 320,25 tỷ đồng, chiếm 8,83%;

ü  Bà Phạm Thu Trang 98,9356 tỷ đồng, chiếm 2,73%;

ü  Ông Nguyễn Duy Thái Dương 85,0239  tỷ đồng, chiếm 2,34%;

ü  Các cổ đông khác 34,42908 tỷ đồng, chiếm 0,95%.

Mobifone có chiến lược tham gia lĩnh vực truyền hình, để thực hiện chiến lược trên, Mobifone thể lựa chọn trực tiếp đầu mảng truyền hình hoặc mua lại  một công ty kinh doanh và cung cấp dịch vụ truyền hình sẵn có. Nhưng Nguyễn Bắc Son, Bộ trưởng BTTTT đã giới thiệu AVG và định hướng cho Lê Nam Trà trong việc thực hiện đầu tư Dự án dịch vụ truyền hình của Mobifone bằng hình thức mua cổ phần của AVG. Vì vậy, Mobifone thực hiện Dự án đầu tư dịch vụ truyền hình theo hình thức đầu tư vốn nhà nước mua 95% cổ phần của AVG với giá trị trên 5.000 tỷ đồng, theo quy định của pháp luật đây là dự án nhóm A và thuộc thẩm quyền của Thủ tướng Chính phủ quyết định chủ trương đầu tư; Bộ TTTT quan đại diện chủ sở hữu vốn Nhà nước tại Mobifone trách nhiệm      chỉ đạo Mobifone trong quá trình lập thực hiện dự án, sau khi Thủ tướng Chính  phủ quyết định chủ trương đầu thì Bộ TTTT quyết định phê duyệt dự án đầu  tư.

Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện dự án đầu tư dịch vụ truyền hình, Nguyễn  Bắc Son, Lê Nam Trà, một số cá nhân tại Mobifone, Bộ TTTT và một số đơn vị có  liên quan đã có hành vi sai phạm trong việc lập dự án đầu tư, đánh giá về tài chính, kinh doanh và giá trị của AVG, hiệu quả khi thực hiện dự án, sử dụng kết quả thẩm định giá trị doanh nghiệp trong đàm phán mua cổ phần AVG, trình dự án, quyết định phê duyệt dự án đầu tư. Đặc biệt, trong quá trình chỉ đạo thực hiện dự án, nhiều bị can đã thực hiện các hành vi trái pháp luật vì những lợi ích vật chất hoặc động cơ vụ lợi khác, gây ra những hậu quả đặc biệt nghiêm trọng.

2.    Kết quả điều tra đã làm rõ hành vi phạm tội của các bị can

Tóm tắt

Ban đầu, Mobifone ký hợp đồng tư vấn với Công ty TNHH Chứng khoán Ngân hàng thương mại cổ phần Ngoại thương Việt Nam (viết tắt là VCBS). VCBS thuê Công ty TNHH Hãng Kiểm toán AASC (viết tắt là AASC) và Công ty TNHH Định giá Hà Nội - Thành phố Hồ Chí Minh (viết tắt là Hanoi Valu) thẩm định giá AVG tại thời điểm 31/3/2015 là 33.299,48 tỷ. Tuy nhiên, việc xác định giá trị của AVG như kết quả nêu trên là không có cơ sở và VCBS không có chức năng thẩm định giá. 

Sau đó, Mobifone chuyển sang ký Hợp đồng dịch vụ định giá và thẩm định giá với Công ty TNHH Tư vấn Đầu tư và Thẩm định giá AMAX (viết tắt là AMAX), xác định giá trị doanh nghiệp AVG tại thời điểm 31/3/2015 là 16.565 tỷ đồng (theo phương pháp tài sản) và 17.184 tỷ đồng (theo phương pháp thu nhập). Tuy nhiên, việc thẩm định giá của AMAX là vi phạm pháp luật, không đúng với giá trị thực tế. Nhưng Mobifone vẫn sử dụng kết quả thẩm định giá của AMAX để đàm phán giá mua. Kết quả thẩm định giá cuối cùng để trình dự án lên Bộ TTTT (sau khi trừ các giá trị khác) là 11.700 tỷ đồng.

Diễn biến quá trình thực hiện thẩm định giá AVG

Để thẩm định giá trị doanh nghiệp AVG và tư vấn mua bán, sáp nhập doanh nghiệp, Nguyễn Văn Vinh, Phó Tổng giám đốc ký hợp đồng tư vấn với Công ty TNHH Chứng khoán Ngân hàng thương mại cổ phần Ngoại thương Việt Nam (viết tắt là VCBS), giá trị hợp đồng là 2,75 tỷ đồng. VCBS thuê Công ty TNHH Hãng Kiểm toán AASC (viết tắt là AASC)Công ty TNHH Định giá Hà Nội - Thành phố Hồ Chí Minh (viết tắt là Hanoi Valu) thực hiện thẩm định giá trị doanh nghiệp AVG để phục vụ cho việc VCBS tư vấn cho Mobifone.

Kết quả VCBS tư vấn như sau:

Ngày 25/5/2015, VCBS có Văn bản số 476/VCBS-TVTCDN thông báo kết quả định giá: AASC xác định giá trị AVG tại thời điểm 31/3/2015 theo phương pháp dòng tiền chiết khấu là 33.299,48 tỷ đồng (trên cơ sở kế hoạch kinh doanh giai đoạn 2015-2020 do AVG lập). VCBS khuyến nghị giá mua không cao hơn 24.548,19 tỷ đồng.

Ngày 20/7/2015, Vũ Quang Đông, Giám đốc VCBS ký Văn bản không số gửi Mobifone, kèm theo “Phụ lục số 02”. Ngày 24/8/2015, VCBS có Văn bản số 752/VCBS gửi Mobifone đánh giá về dự án trong đó nêu rõ:

       Tỷ lệ sở hữu tối đa của Mobifone tại AVG từ trên 90% đến dưới 100%,

       Cơ cấu nguồn vốn thực hiện dự án: 30% vốn chủ sở hữu và 70% vốn vay,

       Tốc độ tăng trưởng g = 2,42%

       Chi phí vốn vay là 11%,

       NPV= 10.860 tỷ đồng>0, IRR= 19,53%, dự án đầu tư khả thi về mặt tài chính.

Giá trị doanh nghiệp AVG tại thời điểm 31/3/2015

AASC thẩm định

VCBS thẩm định

Hanoi Valu thẩm định

33.299,48 tỷ đồng

24.548,19 tỷ đồng

18.519,9 tỷ đồng

 Tuy nhiên, việc xác định giá trị của AVG như kết quả nêu trên là không có cơ sở và VCBS không có chức năng thẩm định giá.

Do VCBS không có chức năng thẩm định giá nên Phạm Thị Phương Anh đã đề xuất và được sự đồng ý của HĐTV và Cao Duy Hải, Tổng giám đốc.

Ngày 18/7/2015, Phạm Thị Phương Anh, Phó Tổng giám đốc Mobifone ký Hợp đồng dịch vụ định giá và thẩm định giá với Công ty TNHH Tư vấn Đầu tư và Thẩm định giá AMAX (viết tắt là AMAX) về việc xác định giá trị doanh nghiệp AVG,

§  Thời điểm định giá là 31/3/2015.

§  Thời gian thực hiện là 07 ngày kể từ ngày hợp đồng được ký kết và bên B đã nhận được đầy đủ hồ sơ thẩm định giá.

§  Mục đích của việc ký Hợp đồng định giá phục vụ cho việc Mobifone sử dụng vào việc mua bán, sáp nhập doanh nghiệp.

Ngoài ra, Mobifone còn cung cấp Văn bản không số ngày 20/7/2015 (kèm theo Phụ lục số 02) của VCBS gửi Mobifone cho AMAX nhưng không có ý kiến đồng ý bằng văn bản của VCBS.

Ngày 05/8/2015, Hoàng Duy Quang, Thẩm định viên và Võ Văn Mạnh, Giám đốc AMAX đã ký, phát hành Chứng thư thẩm định giá và Báo cáo xác định giá trị doanh nghiệp AVG cung cấp cho Mobifone.

Kết quả định giá:

AMAX xác định giá trị AVG tại thời điểm 31/3/2015 theo 2 phương pháp, cụ thể:

Phương pháp tài sản

Phương pháp thu nhập

16.565 tỷ đồng

17.184 tỷ đồng

 


Kết quả điều tra đã xác định được trong quá trình thực hiện việc thẩm định giá AVG, Hoàng Duy Quang và Võ Văn Mạnh đã vi phạm Quyết định 129/2008/QĐ-BTC ngày 31/12/2008; Quyết định số 28/2015/TT-BTC ngày 06/3/2015 của Bộ Tài chính về thẩm định giá doanh nghiệp, ký Chứng thư thẩm định giá và báo cáo xác định giá trị AVG không đúng với giá trị thực tế để cung cấp cho Mobifone làm căn cứ đàm phán mua 95% cổ phần AVG.

Căn cứ quyết định phân công của Cao Duy Hải, Tổng giám đốc, các Tổ giúp việc đã có các báo cáo đánh giá liên quan đến nhiệm vụ được giao, như sau: Phạm Thị Phương Anh, Tổ trưởng Tổ giúp việc triển khai thực hiện các thủ tục mua lại doanh nghiệp cung cấp dịch vụ truyền hình, có các báo cáo số 01, 02, 03, 04, 05, 07/MOBIFONE-TGV đánh giá về kết quả tư vấn của VCBS và kiến nghị Mobifone cần phải xác định giá trị doanh nghiệp vì VCBS chỉ là đơn vị tư vấn độc lập cho Mobifone, không có chức năng thẩm định giá, nhưng vẫn đánh giá việc mua lại cổ phần của AVG là hoàn toàn phù hợp với mục tiêu, chiến lược và quy hoạch phát triển của Mobifone.

Ngày 13/7/2015, Nguyễn Bảo Long, Phó Tổng giám đốc là Tổ trưởng tổ thẩm định kỹ thuật có báo cáo đánh giá hiện trạng mạng AVG là hiện đại và tiên tiến theo xu hướng công nghệ thế giới, phù hợp với chiến lược phát triển truyền hình số mặt đất tại Việt Nam đến năm 2020.

Ngày 11/7/2015, Nguyễn Mạnh Hùng, Phó Tổng giám đốc là Tổ trưởng tổ đánh giá về kinh doanh đã có Báo cáo số 66/DVĐPT&GTGT đánh giá về tính khả thi và các điều kiện liên quan đến kinh doanh truyền hình, cụ thể: Phương án mua lại cổ phần AVG là phù hợp, việc triển khai kinh doanh truyền hình kỹ thuật số trên cơ sở mua lại AVG là khả thi, rút ngắn thời gian đầu tư, thời gian triển khai hoạt động kinh doanh.

Ngày 06/8/2015, Nguyễn Mạnh Hùng ký Báo cáo số 67/TĐGKD đánh giá báo cáo tư vấn xác định giá trị doanh nghiệp AVG của AMAX trên cơ sở bản tính toán của VCBS với những dự báo về triển vọng của tốc độ phát triển thuê bao cũng như tiềm năng của quảng cáo truyền hình dự báo về doanh thu là có cơ sở (BL 5675-5741).

Trên cơ sở báo cáo đánh giá của các Tổ giúp việc, ngày 07/8/2015, Cao Duy Hải, Tổng giám đốc Mobifone đã ký Văn bản số 4188/MOBIFONE gửi HĐTV báo cáo dự án. Trong đó, Mobifone sử dụng kết quả thẩm định giá của AMAX để đàm phán giá mua, cụ thể:

Nếu loại trừ giá trị các giấy phép kinh doanh tần số bằng giá trị định giá của đơn vị định giá xác định trong báo cáo xác định giá trị doanh nghiệp số 256/BCTĐG-AMAX ngày 05/8/2015 là 2.424,9 tỷ đồng và loại trừ 02 khoản đầu tư ngoài ngành có giá trị sổ sách là 2.473,2 tỷ đồng (lấy đúng bằng giá trị AVG đầu tư vào 02 công ty này), thì giá trị định giá phần kinh doanh truyền hình của AVG là:

16.565 tỷ đồng - 2.424,9 tỷ - 2.473,2 tỷ đồng = 11.666,9 tỷ đồng”.

Trên cơ sở đề xuất của Cao Duy Hải, ngày 12/8/2015, Lê Nam Trà, Chủ tịch HĐTV Mobifone có Văn bản số 4255/MOBIFONE báo cáo, đề nghị Bộ TTTT cho phép triển khai thủ tục đầu tư dự án truyền hình bằng hình thức mua lại cổ phần của AVG, với tổng mức đầu tư là 11.700 tỷ đồng.

Ngày 19/8/2015, ông Phạm Hồng Hải, Thứ trưởng Bộ TTTT ký Văn bản số 166/BTTTT-QLDN cho ý kiến chỉ đạo về dự án Mobifone, trong đó yêu cầu Mobifone cần đề xuất các phương án chuyển đổi (mua ngay toàn bộ Công ty để chuyển đổi thành 100% vốn Nhà nước hay mua ít nhất trên 90% cổ phần đối với phần kinh doanh dịch vụ truyền hình…) để lựa chọn phương án tối ưu, khả thi và đàm phán, thỏa thuận để có phương án giải pháp sớm triển khai phù hợp với quy định pháp luật hiện hành… cần đánh giá, phân tích đầy đủ các nội dung về kỹ thuật, khả năng cân đối nguồn vốn và hiệu quả đầu tư của dự án trình Bộ TTTT xem xét phê duyệt.

Ngày 19/8/2015, Cao Duy Hải, Tổng giám đốc Mobifone ký Văn bản số 4463/MOBIFONE-VP về việc giao nhiệm vụ cho các Phó Tổng giám đốc trong việc lập Dự án đầu tư dịch vụ truyền hình của MobiFone, như sau:

§  Phó Tổng giám đốc Nguyễn Đăng Nguyên chỉ đạo lập dự án đầu tư vốn ra ngoài doanh nghiệp, trong đó có đánh giá, phân tích đầy đủ các nội dung về kỹ thuật, kinh doanh, tài chính trên cơ sở ý kiến của các Phó Tổng giám đốc khác, khả năng cân đối nguồn vốn và hiệu quả đầu tư của dự án;

§  Phó Tổng giám đốc Nguyễn Bảo Long chỉ đạo tổng hợp đánh giá yêu cầu về mặt kỹ thuật, phân tích rõ về ưu, nhược điểm của mạng TDPS hiện tại và việc chuyển đổi kênh tần số trước 01/01/2017 (theo cam kết về việc chuyển đổi tần số), xác định các danh mục cần đầu tư về mặt kỹ thuật mạng truyền hình;

§  Phó Tổng giám đốc Phạm Thị Phương Anh chỉ đạo nghiên cứu, đề xuất phương án chuyển đổi mua ngay toàn bộ công ty để chuyển đổi thành 100% vốn nhà nước hay mua ít nhất 90% cổ phần đối với phần kinh doanh dịch vụ truyền hình. Đề xuất phương án tối ưu, khả thi nhất và thực hiện đàm phán, thỏa thuận để có phương án cuối cùng;

§  Phó Tổng giám đốc Nguyễn Mạnh Hùng chủ trì tổng hợp các báo cáo theo yêu cầu. Chỉ đạo xây dựng phương án kinh doanh dịch vụ và phương án hoàn vốn trong môi trường cạnh tranh trong thời gian tới để tổng hợp gửi Ban đầu tư đưa vào dự án.

Căn cứ nhiệm vụ được giao tại Văn bản số 4463/MOBIFONE-VP 19/8/2015 của Tổng giám đốc Mobifone, các Phó Tổng giám đốc và các Ban chức năng đã có báo cáo Cao Duy Hải, Tổng giám đốc nội dung liên quan đến dự án như sau:

§  Phạm Thị Phương Anh, Phó Tổng giám đốc ký Văn bản số 128/MOBIFONE-BTC ngày 26/8/2015 trên cơ sở báo cáo của Ban Tài chính và Ban Kế toán thể hiện dự án có hiệu quả, NPV = 7.529 tỷ đồng>0 (giá trị hiện tại thuần), IRR=19,67%>13,46% (tỷ lệ hoàn vốn nội bộ), cơ cấu vốn: 30% vốn tự có và 70% vốn vay, thời gian hoàn vốn là 8,6 năm, tổng mức đầu tư là 11.700 tỷ đồng và Văn bản số 135/MOBIFONE-BTC ngày 04/9/2015 thể hiện tỷ lệ tăng trưởng ổn định từ năm 2020: g = 2,42% (chỉ số tăng trưởng), NPV=1.643 tỷ đồng>0 và IRR=17,3%>12,11% (tỷ lệ chiết khấu), thời gian hoàn vốn là 8,1 năm; cơ cấu vốn: 30% vốn tự có và 70% vốn vay, tổng mức đầu tư là 11.700 tỷ đồng.

§  Lê Văn Thơ, Trưởng Ban Kế toán và Phan Tuấn Anh, Trưởng Ban Tài chính ký Báo cáo số 142/MOBIFONE-BTC ngày 10/9/2015 báo cáo Tổng giám đốc về phương án mua AVG, nguồn vốn dự kiến huy động theo tỷ lệ 30% vốn tự có và 70% vốn vay, g=2,42%, NPV=1.778 tỷ đồng>0, IRR=12,55%>10,89%, thời gian hoàn vốn là 10,4 năm, tổng mức đầu tư là 11.700 tỷ đồng và đánh giá ảnh hưởng tới Mobifone.

§  Nguyễn Mạnh Hùng, Phó Tổng giám đốc và Nguyễn Ngọc Linh, Trưởng Ban dịch vụ đa phương tiện và giá trị gia tăng có Tờ trình số 4724/MOBIFONE- BANDVDPT&GTGT ngày 31/8/2015 báo cáo Tổng giám đốc về phương án kinh doanh dịch vụ truyền hình trả tiền giai đoạn 2015 - 2020.

§  Nguyễn Bảo Long, Phó Tổng giám đốc ký Báo cáo số 4613/MOBIFONE- DHKT ngày 26/8/2015 đánh giá hệ thống kỹ thuật, chuyển đổi tần số và các danh mục cần đầu tư.

Căn cứ các báo cáo của các Phó Tổng giám đốc và các Ban chức năng, sau khi tổng hợp, Cao Duy Hải, Tổng giám đốc cùng các Phó Tổng giám đốc Nguyễn Bảo Long, Nguyễn Đăng Nguyên, Nguyễn Mạnh Hùng và Phạm Thị Phương Anh cùng ký Văn bản số 5054/MOBIFONE ngày 14/9/2015 trình HĐTV Mobifone về việc báo cáo bổ sung danh mục và phê duyệt Dự án đầu tư truyền hình, có nội dung:

Về mặt tài chính của AVG, theo báo cáo kiểm toán của Công ty kiểm toán KPMG, ý kiến rà soát của Công ty kiểm toán E&Y và ý kiến đánh giá của VCBS thì đến hết năm 2014, AVG vẫn đang lỗ kế hoạch trên 300 tỷ đồng. Tại thời điểm 31/3/2015, giá trị tài sản là 3.334 tỷ đồng (loại trừ phần ghi lợi nhuận từ Công ty An Viên B.P là 2.943,5 tỷ đồng và một số khoản mục khác); tổng nợ phải trả là 1.334 tỷ đồng; giá trị tài sản ròng là 1.970 tỷ đồng. Tổng mức đầu tư dự án là 11.370 tỷ đồng; trong đó 8.898,3 tỷ đồng (90,1% cổ phần cho phần truyền hình); Cơ cấu vốn: 30% vốn chủ sở hữu, 70% vốn vay, g =2,42%, NPV=1.778 tỷ đồng>0, IRR=12,55%> 10,89% và thời gian hoàn vốn là 10,4 năm.

 Ngày 18/9/2015, Mobifone và AVG tổ chức cuộc họp, theo đó đại diện 02 bên đã thống nhất mức giá mua, bán đề xuất là 11.371,5 tỷ đồng, trong đó gồm: 8.898,3 tỷ đồng là số tiền các cổ đông thực nhận để bán 95% cổ phần công ty AVG cho Mobifone và 2.473,2 tỷ đồng là số tiền các cổ đông AVG nhận để mua lại 02 tài sản ngoài lĩnh vực truyền hình.

Ngày 23/9/2015, HĐTV Mobifone họp gồm: Lê Nam Trà, Cao Duy Hải, Phan Thị Hoa Mai và Hồ Tuấn thông qua Văn bản số 5054/MOBIFONE ngày 14/9/2015 của Ban Tổng giám đốc gửi HĐTV về “Dự án đầu tư mua cổ phần của Công ty cổ phần nghe nhìn Toàn cầu”. Sau đó, Lê Nam Trà, Chủ tịch HĐTV ký Văn bản số 58/MOBIFONE-HĐTV ngày 24/9/2015 gửi Bộ TTTT về dự án đầu tư dịch vụ truyền hình đề nghị xem xét, phê duyệt, có nội dung: Tổng tài sản của AVG là 3.102,9 tỷ đồng, trong đó giá trị mảng truyền hình là 629,7 tỷ đồng, đầu tư ra ngoài ngành là 2.473,2 tỷ đồng. Theo phương án giá ngày 18/9/2015 (là mức giá thấp nhất đã thống nhất được với cổ đông AVG) thì mức giá cho mảng truyền hình là 9.366,6 tỷ đồng (gấp 15 lần giá trị sổ sách) do việc định giá chủ yếu dựa vào kết quả kinh doanh dự báo các năm tiếp theo của AVG. Bổ sung dự án vào danh mục dự án Nhóm A và phê duyệt “Dự án đầu tư dịch vụ truyền hình”. Việc xác định tỷ lệ mua cổ phần và giá mua đề xuất của Mobifone đã được Mobifone phân tích (11.371,5 tỷ đồng cho 95% cổ phần của AVG). Giá mua chính thức sẽ do các cấp có thẩm quyền phê duyệt. Việc triển khai dự án đầu tư dịch vụ truyền hình sẽ tác động lớn đến các chỉ tiêu đánh giá xếp hạng doanh nghiệp của Mobifone trong giai đoạn 2016-2020, Mobifone đề nghị Bộ TTTT phê duyệt kế hoạch sản xuất kinh doanh 2016-2020 của Mobifone có tính đến phương án thực hiện dự án đầu tư dịch vụ truyền hình.

Ngày 28/9/2015, Cao Duy Hải, Tổng giám đốc Mobifone ký Văn bản số 5441/MOBIFONE-ĐT báo cáo HĐTV về việc lập Dự án đầu tư mua cổ phần của Công ty cổ phần nghe nhìn Toàn cầu, kèm theo Quyển “Dự án đầu tư mua cổ phần của Công ty cổ phần nghe nhìn Toàn cầu”, trong đó có đầy đủ chữ ký của Ban Tổng giám đốc gồm: Cao Duy Hải, Phạm Thị Phương Anh, Nguyễn Mạnh Hùng, Nguyễn Bảo Long, Nguyễn Đăng Nguyên và 06 Trưởng Ban liên quan, có nội dung: Vốn chủ sở hữu là 30% tổng mức đầu tư; vốn vay 70% tổng mức đầu tư, g = 2,42%, NPV=2.415 tỷ đồng>0, IRR=12,94%> 10,89%, thời gian hoàn vốn là 10,2 năm.

Ngày 29/9/2015, Lê Nam Trà, Chủ tịch HĐTV Mobifone ký Văn bản số 63/MOBIFONE-HĐTV trình Bộ TTTT xem xét, phê duyệt dự án đầu tư, kèm theo Quyển “Dự án đầu tư mua cổ phần của Công ty cổ phần nghe nhìn Toàn cầu (AVG)”, trong đó: Mobifone trình giá mua 95% cổ phần AVG là 11.371,5 tỷ đồng (bao gồm cả phần đầu tư ngoài ngành 2.473,2 tỷ đồng), tổng mức đầu tư là 11.370 tỷ đồng, vốn chủ sở hữu 30% tổng mức đầu tư, vốn vay 70% tổng mức đầu tư, g=2,42%, NPV=2.415 tỷ đồng>0, IRR=12,94%> 10,89%, thời gian hoàn vốn là 10,2 năm, dự án có hiệu quả về mặt tài chính.

Ngày 01/10/2015, Bộ TTTT có Công văn 189 do Phạm Đình Trọng ký, đề nghị Mobifone thực hiện đúng nội dung yêu cầu tại Công văn số 166/BTTTT- QLDN ngày 19/8/2015 do Thứ trưởng Phạm Hồng Hải ký và lưu ý chỉ đầu tư dịch vụ truyền hình và tính toán rõ hiệu quả của dự án (BL 4189; 4205).

Ngày 02/10/2015, Bộ TTTT tổ chức cuộc họp với Mobifone và đại diện các cổ đông của AVG đàm phán về giá mua. Tham dự cuộc họp có Phạm Đình Trọng, Lê Nam Trà, Cao Duy Hải, Hồ Tuấn, Phan Thị Hoa Mai, Nguyễn Bảo Long, Nguyễn Mạnh Hùng, Nguyễn Đăng Nguyên, Phạm Thị Phương Anh, Phạm Nhật Vũ và Hoàng Thị Tuyết, chuyên viên Vụ Quản lý doanh nghiệp, Nguyễn Tô Đông, Phó Chủ tịch AVG. Nội dung cuộc họp chỉ thảo luận và thống nhất về giá mua 95% cổ phần của AVG theo nguyên trạng là 8.898,3 tỷ đồng; trong đó bao gồm cả phần vốn góp của AVG tại Công ty cổ phần An Viên B.P và Công ty cổ phần giống tằm Mai Lĩnh mà cổ đông AVG sẽ để lại AVG và không tính tiền, thỏa thuận như trên là không đúng với ý kiến chỉ đạo của Bộ TTTT tại Văn bản 189 ngày 01/10/2015.

Kết quả điều tra đã xác định: Trong quá trình thực hiện dự án, Tổ giúp việc và Ban giám đốc Mobifone đã 05 lần đàm phán với AVG để xác định giá mua bán cổ phần. Quá trình đàm phán, Phạm Nhật Vũ đại diện cho AVG đã đưa ra mức giá chào bán trên cơ sở Công ty nước ngoài trả giá mua AVG 700 triệu đô la Mỹ và AVG đã nhận đặt cọc 10 triệu đô la Mỹ; mặc dù đây chỉ là thông tin do AVG đưa ra và không có cơ sở chứng minh nhưng vẫn được Tổ giúp việc, Ban giám đốc Mobifone đồng ý chấp nhận mà không đánh giá nội dung trên có căn cứ hay không. Bên cạnh đó, Tổ giúp việc và Ban giám đốc đã sử dụng kết quả thẩm định giá của AMAX xác định giá trị AVG là 16.565 tỷ đồng làm căn cứ để đàm phán, thỏa thuận giá mua là không khách quan, không đảm bảo cơ sở pháp lý và độ tin cậy, vi phạm các quy định, các tiêu chuẩn thẩm định giá. Việc thống nhất giá mua 95% cổ phẩn của AVG là 8.898,3 tỷ đồng trong đó bao gồm cả phần vốn góp của AVG tại Công ty CP An Viên B.P và Công ty CP giống tằm Mai Lĩnh là không có cơ sở và không đúng quy định.

Ngày 05/10/2015, Cao Duy Hải, Tổng giám đốc ký Văn bản số 5640/MOBIFONE trình HĐTVMobifone về báo cáo điều chỉnh dự án đầu tư dịch vụ truyền hình, kèm theo “Quyển dự án đầu tư dịch vụ truyền hình”, trong đó có chữ ký của Ban Tổng giám đốc gồm: Cao Duy Hải, Phạm Thị Phương Anh, Nguyễn Mạnh Hùng, Nguyễn Bảo Long, Nguyễn Đăng Nguyên và 06 Trưởng Ban liên quan. Tại văn bản nêu: g = 6,23%, NPV = 11.372 tỷ đồng>0, IRR= 17,81%> 12,11%, thời gian hoàn vốn là 8,7 năm, dự án có hiệu quả về mặt tài chính (BL 4411-4427).

Trên cơ sở đề nghị của Ban Tổng giám đốc tại Công văn 5640 và Quyển dự án đầu tư dịch vụ truyền hình, ngày 05/10/2015, Lê Nam Trà, Chủ HĐTV Mobifone ký Văn bản số 66/MOBIFONE-HĐTV trình Bộ TTTT báo cáo điều chỉnh Dự án đầu tư dịch vụ truyền hình, trong đó Mobifone xây dựng dự kiến kế hoạch kinh doanh của AVG từ năm 2015–2020 như sau: Tổng mức đầu tư của dự án là 8.900 tỷ đồng cho 95% cổ phần AVG; thời gian thực hiện dự án năm 2015; nguồn vốn thực hiện: vốn chủ sở hữu 2.670 tỷ đồng (30% TMĐT), vốn vay 6.230 tỷ đồng (70% TMĐT); g = 6,23%; hiệu quả dự án: NPV = 11.372 tỷ đồng > 0; IRR = 17,81% > 12,11 % (tỷ lệ chiết khấu); thời gian hoàn vốn là 8,7 năm. Như vậy, dự án có hiệu quả về mặt tài chính (Kèm theo Quyển dự án đầu tư dịch vụ truyền hình). Trên cơ sở đó, Mobifone đề nghị Bộ TTTT: chấp nhận bổ sung dự án vào Danh mục dự án nhóm A, phê duyệt dự án đầu tư và ra quyết định đầu tư dự án. Ngày 28/10/2015, Lê Nam Trà, Chủ tịch HĐTVMobifone ký Văn bản số 82/MOBIFONE-HĐTV gửi Bộ TTTT giải trình bổ sung dự án đầu tư dịch vụ truyền hình (BL 6032, 6033).

Căn cứ quy định tại khoản 2 Điều 31 Luật Đầu tư ngày 26/11/2014 (viết tắt là Luật 67/2014/QH13) thì Dự án có mức đầu tư 5.000 tỷ đồng trở lên thuộc thẩm quyền quyết định đầu tư của Thủ tướng Chính phủ. Như vậy, Dự án Đầu tư dịch vụ truyền hình của Mobifone có tổng mức đầu tư là 8.900 tỷ đồng phải được Thủ tướng Chính phủ quyết định phê duyệt chủ trương đầu tư. Trên cơ sở đề xuất của Lê Nam Trà tại Văn bản số 66 ngày 05/10/2015, Bộ TTTT với vai trò trách nhiệm là cơ quan đại diện vốn chủ sở hữu Nhà nước tại Mobifone chịu trách nhiệm xem xét quyết định phê duyệt dự án đầu tư theo thẩm quyền. Ngày 07/10/2015, Nguyễn Bắc Son, Bộ trưởng Bộ TTTT ban hành Quyết định số 194/QĐ-BTTTT thành lập Tổ thẩm định dự án đầu tư gồm 06 người, do Phạm Đình Trọng, Vụ trưởng Vụ quản lý doanh nghiệp là Tổ trưởng. Tổ thẩm định có nhiệm vụ thẩm định dự án đầu tư dịch vụ truyền hình của Mobifone. Nhiệm vụ cụ thể của các thành viên do Tổ trưởng phân công. Kết quả điều tra cho thấy: Phạm Đình Trọng không trực tiếp phân công nhiệm vụ cụ thể cho các thành viên trong việc thẩm định dự án, cuộc họp không ghi biên bản. Tổ thẩm định đã không xem xét, phân tích các thông tin, tính pháp lý, mức độ tin cậy của các chứng thư thẩm định giá, báo cáo thẩm định giá mà Mobifone đã sử dụng để đàm phán mua 95% cổ phần của AVG. Ngày 21/10/2015, Phạm Đình Trọng đã tổng hợp xây dựng báo cáo thẩm định dự án đầu tư dịch vụ truyền hình của Mobifone trình lãnh đạo Bộ TTTT trong đó có nội dung: Tổ thẩm định đánh giá dự án đã được Mobifone nghiên cứu đầy đủ, toàn diện… về giá mua cổ phần, báo cáo nêu: Tổ thẩm định cũng như Bộ TTTT không có chức năng, điều kiện đánh giá về giá mua AVG, như vậy về giá mua và hiệu quả đầu tư của dự án chưa được làm rõ. Tuy nhiên, Phạm Đình Trọng đã sử dụng thông tin chưa được kiểm chứng, thiếu cơ sở để nhận xét đánh giá về giá mua trong báo cáo thẩm định như sau: Sau nhiều vòng đàm phán AVG đã chào bán 95% cổ phần của AVG là 8.898,3 tỷ đồng. Phương án giá này thấp hơn khoảng 7000 tỷ đồng so với mức giá thấp nhất do tổ chức thẩm định giá đưa ra và thấp hơn khoảng 300 triệu đô la Mỹ so với mức giá AVG báo cáo bán cho đối tác nước ngoài (700 triệu đô la Mỹ)… Tổ thẩm định thống nhất với đề xuất thực hiện dự án đầu tư dịch vụ truyền hình của Mobifone (BL 4233-4244).

Ngày 23/10/2015, Phạm Đình Trọng đã lập phiếu trình báo cáo thẩm định dự án đầu tư dịch vụ truyền hình của Mobifone trình Nguyễn Bắc Son, Trương Minh Tuấn và Thứ trưởng Phạm Hồng Hải để xem xét báo cáo Thủ tướng Chính phủ quyết định chủ trương đầu tư của dự án và hai kiến nghị của Mobifone cho phép Mobifone tiếp tục sử dụng 04 kênh tần số đã cấp cho AVG để phục vụ kinh doanh truyền hình và viễn thông; Chấp thuận cho Mobifone được vay vốn tín dụng đầu tư của Nhà nước (lãi suất ưu đãi)... trong bối cảnh nguồn vốn tự có chỉ đáp ứng một phần nhu cầu vốn đầu tư. Trên cơ sở đề xuất của Phạm Đình Trọng, ngày 28/10/2015, Nguyễn Bắc Son ký Văn bản số 209/BTTTT-QLDN gửi Thủ tướng Chính phủ về Dự án đầu tư dịch vụ truyền hình của Mobifone (kèm theo là báo cáo do Trương Minh Tuấn, Thứ trưởng Bộ TTTT đánh giá Dự án đầu tư dịch vụ truyền hình của Mobifone); trong đó kiến nghị Thủ tướng Chính phủ các nội dung:

Về chủ trương đầu tư dự án có tổng mức đầu tư 8.900 tỷ đồng thuộc thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư của Thủ tướng Chính phủ. Bộ TTTT trình Thủ tướng Chính phủ:

§  Xem xét phê duyệt chủ trương đầu tư Dự án đầu tư dịch vụ truyền hình của Mobifone;

§  Giao cho Mobifone quyết định đầu tư thực hiện dự án theo đúng quy định hiện hành;

§  Giao cho Bộ TTTT chỉ đạo Mobifone tổ chức thực hiện theo đúng quy định và kịp thời giải quyết hoặc báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét giải quyết các vấn đề phát sinh trong quá trình thực hiện để đảm bảo hiệu quả của dự án đầu tư;

§  Cho phép Mobifone được tiếp tục sử dụng 04 kênh tần số đã cấp cho AVG để phục vụ hoạt động kinh doanh dịch vụ truyền hình và viễn thông;

§  Chấp thuận cho Mobifone được vay vốn tín dụng đầu tư ưu đãi để thực hiện các dự án đầu tư phát triển sản xuất kinh doanh của Mobifone.

Ngày 14/12/2015, Văn phòng Chính phủ có Công văn số 2678 thông báo ý kiến của Thủ tướng Chính phủ “Chấp thuận chủ trương cho Tổng công ty viễn thông Mobifone mua cổ phần của Công ty cổ phần nghe nhìn Toàn Cầu để phát triển dịch vụ truyền hình và Giao Bộ TTTT thực hiện dự án mua cổ phần nêu trên theo đúng quy định của pháp luật”.

Sau khi nhận được văn bản này, ngày 21/12/2015, tại Phiếu trình số 380, Phạm Đình Trọng đề xuất với lãnh đạo Bộ TTTT phê duyệt Dự án đầu tư dịch vụ truyền hình của Mobifone. Đề xuất của Phạm Đình Trọng đã được Nguyễn Bắc Son đồng ý và chuyển cho Trương Minh Tuấn ký Quyết định. Ngày 21/12/2015, Trương Minh Tuấn, Thứ trưởng Bộ TTTT ký Quyết định số 236/QĐ-BTTTT: Phê duyệt Dự án đầu tư dịch vụ truyền hình của Tổng công ty Viễn thông Mobifone, nội dung quyết định: Vốn đầu tư của dự án là 8.900 tỷ đồng, trong đó 95% cổ phần của AVG là 8.898,3 tỷ đồng; nguồn vốn đầu tư là vốn tự có của doanh nghiệp và vốn vay; thời hạn thực hiện là năm 2015; Giao HĐTV Mobifone chỉ đạo tổ chức thực hiện dự án; Mobifone được tiếp tục sử dụng 04 kênh tần số đã cấp cho AVG.

Kết quả điều tra đã làm rõ: Sau khi Văn phòng Chính phủ có Thông báo số 2678 ngày 14/12/2015, Nguyễn Bắc Son Bộ trưởng Bộ TTTT đã có bút phê ngày 15/12/2015 chuyển Thứ trưởng Phạm Hồng Hải chỉ đạo Vụ QLDN xây dựng văn bản chỉ đạo Mobifone thực hiện theo tinh thần Công văn 2678, triển khai dự án trong năm tài chính 2015 và mời ngay Chủ tịch HĐTV Mobifone để triển khai thực hiện. Mặc dù Nguyễn Bắc Son có bút phê chỉ đạo như vậy, nhưng do còn băn khoăn nên Thứ trưởng Phạm Hồng Hải đã ký Công văn số 230 ngày 16/12/2015 gửi Bộ Tài chính đề nghị cho ý kiến về trình tự, thủ tục thực hiện dự án và giá mua. Đồng thời, ngày 18/12/2015, Trương Minh Tuấn ký Công văn số 235 gửi Bộ Công an đề nghị cho ý kiến về dự án và lĩnh vực truyền hình liên quan đến an ninh, chính trị, văn hóa, tư tưởng. Sau đó, Bộ Tài chính đã có Văn bản số 1095 ngày 18/12/2015 và Bộ Công an có Công văn số 2889 ngày 21/12/2015 phúc đáp thì Bộ TTTT ban hành Quyết định số 236 ngày 21/12/2015 phê duyệt Dự án đầu tư dịch vụ truyền hình của Mobifone.

Với vai trò, trách nhiệm của cơ quan đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước tại doanh nghiệp và quản lý nhà nước về thông tin, truyền thông, Bộ TTTT chịu trách nhiệm xem xét, quyết định phê duyệt dự án đầu tư theo thẩm quyền. Tuy nhiên, dự án thuộc Nhóm A nhưng chưa được Bộ TTTT phê duyệt chiến lược, kế hoạch đầu tư phát triển 5 năm là vi phạm khoản 2 Điều 19 Luật quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp (viết tắt là Luật số 69/2014/QH13); Dự án chưa được Thủ tướng Chính phủ quyết định chủ trương đầu tư, nhưng Bộ TTTT đã ban hành Quyết định số 236/QĐ-BTTTT ngày 21/12/2015 phê duyệt Dự án đầu tư dịch vụ truyền hình của Mobifone là vi phạm quy định tại Điều 31 Luật số 67/2014/QH13, Điều 20 Luật số 69/2014/QH13 về thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư của Thủ tướng Chính phủ; Điều 21 Luật số 69/2014/QH13 về trình tự thủ tục đầu tư vốn nhà nước để mua lại một phần hoặc toàn bộ doanh nghiệp.

Các kênh tần số (04 kênh) mà Bộ TTTT đã cấp cho AVG để thực hiện thí điểm, 04 kênh tần số này phải được đấu giá hoặc thi tuyển quyền sử dụng tần số vô tuyến điện, nhưng Bộ TTTT đã không thu hồi để tổ chức đấu giá hoặc thi tuyển quyền sử dụng mà cho phép Mobifone được tiếp tục sử dụng 04 kênh tần số đã cấp cho AVG để phục vụ hoạt động kinh doanh dịch vụ truyền hình và viễn thông là vi phạm quy định tại Điều 18 Luật Tần số vô tuyến điện. Giá mua và hiệu quả đầu tư là 02 yếu tố quan trọng đối với dự án đầu tư, mặc dù chưa được làm rõ, nhưng Bộ TTTT vẫn ban hành Quyết định phê duyệt dự án đầu tư dịch vụ truyền hình.

Việc Mobifone đầu tư dịch vụ truyền hình không thuộc lĩnh vực bí mật Nhà nước nhưng Bộ TTTT đưa giao dịch này thuộc danh mục “Mật” là không đúng quy định tại Quyết định số 36/2014/QĐ-TTg ngày 18/6/2014 của Thủ tướng Chính phủ. Trách nhiệm đối với những sai phạm nêu trên thuộc về Nguyễn Bắc Son, Trương Minh Tuấn và Phạm Đình Trọng là những người chỉ đạo việc lập, thẩm định, phê duyệt dự án không tuân theo những quy định của Luật 67/2014/QH13 và Luật 69/2014/QH13 gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng, thiệt hại tài sản của Nhà nước.

Sau khi Bộ TTTT có Quyết định số 236/QĐ-BTTTT ngày 21/12/2015 phê duyệt dự án đầu tư dịch vụ truyền hình của Mobifone, ngày 22/12/2015, Cao Duy Hải ký Quyết định số 2666 thành lập Tổ đàm phán hợp đồng mua lại AVG gồm 8 thành viên do Phạm Thị Phương Anh, Phó Tổng giám đốc làm Tổ trưởng; Nguyễn Mạnh Hùng, Phó Tổng giám đốc là Tổ phó. Trong thời gian từ ngày 22 đến 24/12/2015, Tổ đàm phán đã làm việc với đại diện các cổ đông của AVG để đàm phán về nội dung bản Thoả thuận chuyển nhượng cổ phẩn và Hợp đồng chuyển nhượng cổ phần, trong đó hai bên đã thống nhất các điều khoản hợp đồng bao gồm cả 02 khoản đầu tư ngoài ngành, tiến độ thanh toán, phương án xử lý các khoản nợ vay của AVG. Ngày 24/12/2015, các thành viên Tổ đàm phán đã có Tờ trình số 01 và 02 trình Tổng giám đốc Mobifone về dự thảo Thỏa thuận và Hợp đồng chuyển nhượng cổ phần của AVG. Trên cơ sở tờ trình của Tổ giúp việc, ngày 24/12/2105 Ban Tổng giám đốc Mobifone (07/07 người) họp đã có ý kiến về nội dung của Tổ đàm phán và thống nhất với các nội dung dự thảo Thỏa thuận chuyển nhượng cổ phần và dự thảo Hợp đồng chuyển nhượng cổ phần, thống nhất trình HĐTV quyết định. Cao Duy Hải, Tổng giám đốc Mobifone ký Tờ trình số 7738/MOBIFONE ngày 24/12/2015 trình HĐTV về việc đàm phán chuyển nhượng cổ phần của AVG. Ngày 25/12/2015, Lê Nam Trà, Chủ tịch HĐTV ký Quyết định số 2890/QĐ-MOBIFONE-HĐTV phê duyệt dự thảo Thỏa thuận chuyển nhượng cổ phần và dự thảo Hợp đồng chuyển nhượng cổ phần AVG, đồng thời, giao cho Chủ tịch HĐTV đại diện cho Mobifone ký Thỏa thuận chuyển nhượng cổ phần và các Hợp đồng chuyển nhượng cổ phần với các cổ đông AVG.

Theo chỉ đạo của Nguyễn Bắc Son, ngày 25/12/2015, Lê Nam Trà, Chủ tịch HĐTV Mobifone (đại diện Bên nhận chuyển nhượng) và Phạm Nhật Vũ có ủy quyền hợp pháp của toàn bộ cổ đông chuyển nhượng AVG (đại diện Bên chuyển nhượng) ký Thỏa thuận chuyển nhượng số 2512/2015/MOBIFONE- AVG có quy định toàn bộ các điều kiện, quyền và trách nhiệm của Bên chuyển nhượng, Bên nhận chuyển nhượng và AVG liên quan đến giao dịch, trong đó: tổng số cổ phần chuyển nhượng là 344.660.000 cổ phần phổ thông, mệnh giá 10.000 đồng/cổ phần, tổng giá trị theo mệnh giá là 3.446.600.000.000 đồng, tổng giá trị chuyển nhượng của giao dịch mua 95% cổ phần AVG là 8.889.815.380.000 đồng, giá chuyển nhượng tính cho 01 cổ phần là 25.793 đồng/cổ phần, thời gian hoàn tất việc chuyển nhượng là 180 ngày (kèm theo Thỏa thuận chuyển nhượng là các phụ lục chi tiết về danh sách cổ đông, quy trình khai thác, phân phối ...).

Trên cơ sở Thỏa thuận chuyển nhượng cổ phần, ngày 25/12/2015 Lê Nam Trà, Chủ tịch HĐTV Mobifone và 08 cổ đông AVG đã ký 08 Hợp đồng chuyển nhượng cổ phần tương ứng với số cổ phần của từng cổ đông nắm giữ, cụ thể như sau:

Cổ đông

Tổng số cổ phần chuyển nhượng (cổ phần)

Giá trị chuyển nhượng (đồng)

Công ty cổ phần An Viên

21.425.360

552.624.310.480

Công ty TNHH Giải pháp Tích hợp Công nghệ cao

11.069.592

285.517.986.456

bà Hoàng Thanh Hằng

57.436.440

1.481.458.096.920

ông Nguyễn Công Dự

3.376.240

87.083.358.320

ông Nguyễn Duy Thái Dương

8.502.390

219.302.145.270

bà Nguyễn Thùy Trang

32.025.000

826.020.825.000

bà Phạm Thu Trang

9.893.560

255.184.593.080

Phạm Nhật Vũ

200.931.418

5.182.624.064.474

 Sau khi ký Thỏa thuận và Hợp đồng, chỉ trong vòng 19 ngày (từ ngày 28/12/2015 đến ngày 15/01/2016) Mobifone đã thanh toán 8.445,324 tỷ đồng (tương đương 95% tổng giá trị hợp đồng) cho các cổ đông AVG, còn 05% tổng giá trị chuyển nhượng cổ phần sẽ được Mobifone thanh toán vào ngày hoàn tất hợp đồng chuyển nhượng giữa hai bên. Quá trình thanh toán của Mobifone như sau:

Ngày 25/12/2015, Phạm Thị Phương Anh, Phó Tổng giám đốc và Phan Tuấn Anh, Trưởng Ban Tài chính ký Tờ trình số 241/TC về việc chuẩn bị thanh toán lần 1 = 30% tổng giá trị hợp đồng với số tiền 2.666 tỷ đồng; trong đó đề nghị HĐTV Mobifone cho rút trước hạn 07 Hợp đồng tiền gửi có kỳ hạn tại Vietinbank với tổng số tiền là 850 tỷ đồng và ký Hợp đồng vay ngắn hạn với Vietinbank; cùng ngày, HĐTV Mobifone đã họp và thống nhất ủy quyền cho Phạm Thị Phương Anh, Phó Tổng giám đốc ký hợp đồng với ngân hàng để vay vốn bằng việc thế chấp các hợp đồng tiền gửi phục vụ cho việc thanh toán.

Ngày 28/12/2015, Ban Tài chính và Ban Kế toán đã có Tờ trình số 243/TTr-TC-KT trình Tổng giám đốc Mobifone về việc thanh toán lần 1 với số tiền 2.666.944.614.000 đồng (30% giá trị hợp đồng) đã được Cao Duy Hải, Tổng giám đốc và Phạm Thị Phương Anh, Phó Tổng giám đốc chấp thuận cho thực hiện thanh toán.

Ngày 11/01/2016, Phạm Thị Phương Anh, Phó Tổng giám đốc và Phan Tuấn Anh, Trưởng Ban Tài chính ký Tờ trình số 03/MOBIFONE-TC về nguồn vốn thanh toán lần 2 cho dự án, trong đó đề nghị HĐTV Mobifone cho rút trước hạn các khoản tiền gửi có kỳ hạn tại 05 ngân hàng với tổng số tiền rút là 3.450 tỷ đồng và vay ngắn hạn tại Vietinbank khoảng 1.700 tỷ đồng với lãi suất dưới 6%/năm.

Ngày 11/01/2016, HĐTV Mobifone đã họp và chấp thuận phương án nguồn vốn nêu trên để thanh toán lần 2.

Ngày 14/01/2016, Ban Tài chính, Ban Kế toán và Ban Triển khai truyền hình có Tờ trình số 08/TTr-TC-KT-TH thanh toán lần 2 theo thoả thuận chuyển nhượng cổ phần đã được Cao Duy Hải, Tổng giám đốc và Phạm Thị Phương Anh, Phó Tổng giám đốc chấp thuận thanh toán lần 2 với tổng số tiền là 5.778.379.997.000 đồng (65% tổng giá trị hợp đồng).

Ngày 14/01/2016, Tổng giám đốc và các Phó Tổng giám đốc Phạm Thị Phương Anh, Hồ Tuấn, Nguyễn Bảo Long ký Báo cáo số 255/MOBIFONE và được Chủ tịch HĐTV chấp thuận thanh toán lần 2 với tổng số tiền là 5.778.379.997.000 đồng.

Như vậy, các bị can tại Mobifone đã có những sai phạm trong việc đánh giá khả năng tài chính, kinh doanh của AVG; lựa chọn các đơn vị tư vấn thẩm định giá trị doanh nghiệp AVG; tư vấn mua bán, sáp nhập doanh nghiệp; nghiệm thu, sử dụng kết quả thẩm định giá trị AVG làm căn cứ đàm phán giá mua cổ phần; lập dự án đầu tư, trình Bộ TTTT phê duyệt dự án; ký kết thỏa thuận và hợp đồng chuyển nhượng cổ phần; thanh toán các chi phí liên quan đến dự án. Trong khi, thực trạng tài chính, hoạt động kinh doanh của AVG từ khi thành lập đến thời điểm xác định giá trị doanh nghiệp để mua bán cổ phần là rất khó khăn. Theo báo cáo kiểm toán của Công ty kiểm toán KPMG đến hết năm 2014, AVG vẫn đang lỗ trên 331,4 tỷ đồng, lỗ lũy kế 1.563,7 tỷ đồng. Tại thời điểm 31/3/2015 khoản phải thu là 78,2 tỷ đồng, nợ phải trả và vay ngắn hạn là 818 tỷ đồng, vay và nợ dài hạn là 904 tỷ đồng; tổng tài sản trên báo cáo kiểm toán là 6.047,3 tỷ đồng. Theo báo cáo đánh giá tình hình tài chính hợp nhất AVG của VCBS tại thời điểm 31/3/2015, giá trị tài sản là 3.103 tỷ đồng (trong đó mảng truyền hình là 629,7 tỷ đồng, đầu tư ngoài ngành là 2.473,2 tỷ đồng), tổng nợ phải trả là 1.133 tỷ đồng, giá trị tài sản ròng là 1.970 tỷ đồng. AVG sử dụng đòn bẩy tài chính với tỷ lệ vốn vay và nợ khá lớn, tỷ lệ nợ trên vốn cổ phần là 47%.

Khi báo cáo đề xuất đầu tư và lập Dự án đầu tư trình Bộ TTTT phê duyệt, Mobifone đã báo cáo không đầy đủ, đánh giá không đúng khả năng tài chính, kinh doanh của AVG, thậm chí còn đánh giá khả quan về tình hình tài chính, kinh doanh của AVG như: Từ năm 2012 đến năm 2014, doanh thu AVG tăng, hiệu quả kinh doanh đang tăng dần (dù vẫn đang lỗ kế hoạch), các chỉ số đều thể hiện sự tăng trưởng. Việc đầu tư vào lĩnh vực truyền hình là cần thiết và Mobifone cho rằng phương án mua lại cổ phần của AVG là vượt trội hơn so với phương án Mobifone tự đầu tư.

Đánh giá về hiệu quả đầu tư dự án, Mobifone cho rằng: Với tổng mức đầu tư dự án là 8.900 tỷ đồng, giả định dòng tiền vào của dự án là lợi nhuận sau thuế của AVG (95%) thì hiệu quả đầu tư như sau: NPV = 11.372 tỷ đồng > 0; IRR = 17,81% > 12,11 % (tỷ lệ chiết khấu) và thời gian hoàn vốn là 8,7 năm, như vậy dự án có hiệu quả về mặt tài chính.

Mobifone nhận định: Phương án kinh doanh tại dự án này dựa trên giả thiết sử dụng toàn bộ mạng truyền hình hiện tại của AVG mà không cần đầu tư thêm. Do đó, nếu được đầu tư mở rộng vùng phủ sóng thì kết quả kinh doanh có thể đạt cao hơn (truyền hình DTH của AVG đã phủ sóng toàn quốc, tuy nhiên DTT mới chỉ phủ sóng tại 33 tỉnh, thành phố). Về phương diện kinh doanh thì việc đàm phán mua lại một công ty truyền hình sẵn có là điều kiện thuận lợi cho Mobifone để nhanh chóng gia nhập thị trường kinh doanh dịch vụ truyền hình hơn là phương án đầu tư mới…

Những đánh giá của Mobifone là căn cứ để Bộ TTTT tổng hợp xin ý kiến các Bộ, Ngành và báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét Quyết định chủ trương đầu tư Dự án đầu tư dịch vụ truyền hình của Tổng công ty Viễn thông Mobifone và Giao cho Mobifone quyết định đầu tư thực hiện dự án. Khi được Thủ tướng chấp thuận chủ trương đầu tư dự án, Bộ TTTT đã ban hành quyết định phê duyệt đầu tư dự án khi chưa được Thủ tướng Chính phủ quyết định chủ trương đầu tư, dự án chưa được thẩm định, đánh giá hiệu quả đầu tư theo đúng trình tự, thủ tục quy định của pháp luật. Mobifone căn cứ vào quyết định phê duyệt của Bộ TTTT đã tiến hành đàm phán, ký kết Thỏa thuận, Hợp đồng và thanh toán cho AVG gây thiệt hại tài sản của Nhà nước. Trách nhiệm chính thuộc về HĐTV và Ban Tổng giám đốc Mobifone, gồm: Lê Nam Trà, Cao Duy Hải, Phan Thị Hoa Mai, Hồ Tuấn, Phạm Thị Phương Anh, Nguyễn Mạnh Hùng, Nguyễn Bảo Long, Nguyễn Đăng Nguyên.

Như vậy, việc các bị can tại Mobifone thỏa thuận, ký kết hợp đồng chuyển nhượng cổ phần và thực hiện thanh toán tiền cho AVG là theo sự chỉ đạo của Nguyễn Bắc Son, họ đều biết dự án chưa được Thủ tướng Chính phủ quyết định chủ trương đầu tư. Việc sử dụng 100% nguồn vốn của Mobifone để thanh toán cho AVG là không đúng với nội dung khi xây dựng dự án của Mobifone là sử dụng 30% vốn tự có và 70% vốn vay. Bên cạnh đó, do phải rút tiền tiết kiệm trước hạn để thanh toán nên tiền lãi bị thiệt hại do rút trước hạn là 115 tỷ đồng. Việc sử dụng 100% vốn tự có thanh toán cho nhóm cổ đông AVG ảnh hưởng tới doanh thu hoạt động tài chính của Mobifone do bị giảm lượng tiền gửi, lãi tiền gửi của Mobifone tại ngân hàng.

Hậu quả thiệt hại của Mobifone: Căn cứ báo cáo tài chính của AVG, ý kiến đánh giá của Công ty tư vấn VCBS trên cơ sở báo cáo kiểm toán của Công ty Kiểm toán KPMG, Công ty Kiểm toán E&Y, Chứng thư xác định giá trị doanh nghiệp của Công ty TNHH Hãng kiểm toán AASC và lời khai của bị can Phạm Nhật Vũ, nguyên Chủ tịch HĐQT AVG xác định giá trị tài sản của AVG tính đến ngày 31/3/2015 là 3.103 tỷ đồng trừ đi tổng nợ phải trả là 1.133 tỷ đồng, giá trị tài sản ròng còn lại của AVG là 1.970 tỷ đồng; trong đó phương pháp xác định giá trị doanh nghiệp của Công ty TNHH Hãng kiểm toán AASC đã được Cơ quan điều tra trưng cầu Hội thẩm định giá Việt Nam kết luận là phù hợp với quy định của pháp luật. Do vậy, hậu quả thiệt hại của vụ án được xác định là: 6.475.324.611.000 đồng (được tính 8.445.324.611.000 đồng là số tiền Mobifone đã thanh toán cho AVG - 1.970.000.000.000 đồng là tài sản ròng của AVG). Ngoài ra, Mobifone còn bị thiệt hại 115.031.655.556 đồng là tiền lãi của các hợp đồng tiền gửi có kỳ hạn được rút trước hạn để thanh toán cho AVG. Như vậy Mobifone đã thiệt hại tổng số là: 6.590.356.266.556 đồng (sáu nghìn, năm trăm chín mươi tỷ, ba trăm năm mươi sáu triệu, hai trăm sáu mươi sáu nghìn, năm trăm năm mươi sáu đồng).


Phần 2: Truy trách nhiệm thẩm định viên, công ty thẩm định giá và kết luận của Viện kiểm sát

Ngày lãng phí là khi không học được điều gì mới

Một ngày trôi qua mà không tiếp thu, tích lũy được điều gì mới, có ích thì đó là một ngày lãng phí! Nguồn: Sưu tầm trên mạng từ lâu nên tôi ...