15/03/2024

Bàn về phương pháp thặng dư (Một bài viết cũ từ tháng 6/2020 của tôi)

 (Đây là tổng hợp lại 02 bài viết của tôi đăng lên group chuyên môn từ ngày 21/6/2020. Lưu ý dẫn nguồn nghiêm túc khi đăng tải lại).

Hôm nay, tôi xin phép chia sẻ nội dung về bản chất phương pháp thặng dư, trên cơ sở khoa học để cả nhà thảo luận thêm. Xin các bác ít gạch đá xây nhà nhé.
Có một số ý kiến cho rằng Phương pháp thặng dư (residual method) là kết hợp của phương pháp thu nhập và phương pháp chi phí (hoặc là 1 nhánh của PP thu nhập, hoặc PP thu nhập là 1 nhánh của PP thặng dư, blah blah). Thực ra là không, phương pháp thặng dư có sử dụng cách tiếp cận (approach) thu nhập và chi phí, và sử dụng kĩ thuật chiết khấu dòng tiền (technique), nhưng là một phương pháp riêng. Trong khi phương pháp thu nhập dựa trên quan điểm về giá trị rằng giá trị của tài sản bằng tổng thu nhập/lợi ích tương lai mà tài sản đem lại cho chủ sở hữu, thì phương pháp thặng dư tiếp cận theo đúng nghĩa “phần còn lại” (residual), hiểu đơn giản hơn là “phần còn lại sau khi phân phối dòng tiền/lợi ích kỳ vọng cho các bên tham gia vào dự án”.
Trước khi đi vào phương pháp, chúng ta đồng ý với nhau rằng, cách tiếp cận thu nhập hàm ý tài sản có giá trị vì nó tạo ra dòng thu nhập/lợi ích tương lai cho chủ sở hữu. Điều đó có nghĩa, dòng tiền chung của sự án là tập hợp rất nhiều dòng tiền sinh ra từ các tài sản của dự án (mà chúng ta rất khó bóc tách). Ai góp tài sản gì, thì sẽ được nhận về phần sinh lợi của tài sản đó (phân phối lợi nhuận, cụ thể là phân phối dòng tiền).
Ở đây có 3 bên tham gia vào dự án:
- Chủ đầu tư, góp Vốn bằng tiền, kỳ vọng nhận về tỷ suất lợi nhuận đòi hỏi
- Chủ nợ, góp Tiền, kỳ vọng nhận về lãi suất cho vay
- Chủ Đất, góp Đất, kỳ vọng nhận về tiền bán đất cao nhất có thể (nên sẽ bán đất cho người sử dụng tốt nhất và hiệu quả nhất)
Qua đó, mỗi chủ thể cũng nhận về phần mình một phần lợi ích từ dự án tương ứng với mức độ tham gia vào dự án. Hay nói cách khác, các chủ thể này đều tham gia vào dự án, cùng tài trợ cho dự án, cùng gắn trách nhiệm vào dự án và cùng hưởng lợi ích từ dự án. Dòng tiền của dự án thu được sẽ phân phối cho 3 đối tượng: Nhà đầu tư ( dưới dạng lợi nhuận ) và chủ nợ ( dưới dạng lãi vay ) và Chủ Đất ( dưới dạng Chi phí mua đất của CĐT, ở đây gọi tắt là Giá đất )
Bây giờ, quay lại với công thức tổng quát của phương pháp thặng dư.
The equation for the residual valuation method in its simplest form is as follows:
Land = GDV – (Construction + Fees + Profit)
where
· Land = Purchase price of land/site acquisition
· GDV = Gross Development value
· Construction = Building and construction costs
· Fees = Fees and transaction costs
· Profit = Developers profit required
Để dễ diễn giải, tôi sẽ dùng công thức Việt hóa. Nếu như giá đất là đã biết trước (chủ đất đã nhận về lợi ích của họ thông qua giá NĐT phải trả để sở hữu đất) thì khi thẩm định dự án, chúng ta xem xét trên quan điểm Tổng đầu tư (Total investment point of view) với dòng tiền là dòng tiền của dự án (ko trừ đi chi phí lãi vay) và tỷ suất chiết khấu là WACC
LN (phần chủ đầu tư) + Lãi vay (phần chủ nợ) = TDT – TCP (không gồm lãi vay) (chiết khấu tại WACC)
=> LN (chủ đầu tư) + Lãi vay = TDT – TCP (ko gồm lãi vay, tiền mua/thuê đất) – Giá Đất
=> Giá Đất = TDT – TCP (ko gồm lãi vay, tiền đất) – Lãi vay – LN (chủ đầu tư)
Như vậy, theo phương pháp thặng dư, giá đất là phần còn lại của dự án mà chủ đất được hưởng sau khi phân phối lợi ích cho các bên liên quan như chủ nợ và chủ đầu tư.
Trở lại câu hỏi của nhiều người inbox tôi về việc khách hàng cho rằng họ “không có lợi nhuận hoặc lợi nhuận thấp”, thực tế là họ chỉ tìm cách giảm cái "lợi nhuận NĐT" xuống để giá đất cao hơn, để được cấp hạn mức tín dụng nhiều hơn.
Có những khách hàng tuyên bố họ làm “không có lợi nhuận, và không đồng ý áp Lợi nhuận trung bình vào dự án". Nếu bên sở hữu đất là bên thứ 3, thì hiển nhiên nếu dự án của họ không tạo ra lợi nhuận, họ sẽ không được giao/thuê đất do cơ chế giá là cơ chế phân bổ nguồn lực (đất đai là 1 nguồn lực), đất có tiềm năng phát triển phải được giao cho người có thể sử dụng tốt nhất và hiệu quả nhất, khai thác tối đa tiềm năng của đất (bảo kiếm phải trao tay hảo hán). Do đó nếu “không có lợi nhuận” hoặc không đạt “tỷ suất sinh lời đòi hỏi” thì CĐT sẽ không bao giờ mua đất để thực hiện dự án này.
Trong trường hợp sử dụng pp thặng dư xác định giá đất Nhà nước giao/cho thuê thì ông nào cũng muốn bơm phần lợi nhuận đòi hỏi lên, để phần còn lại cho "thằng chủ đất" giảm xuống theo công thức.

---

Có một thành viên (hiện quản lý bộ phận định giá trong 01 ngân hàng) trong group chuyên môn của tôi đặt câu hỏi khá thú vị liên quan tới phương pháp thặng dư:
Trong phương pháp thặng dư, khi dự án nằm trong tay 1 ông lớn (ví dụ VIN, SUN), họ có tiềm lực mạnh hơn hẳn so với chủ đầu tư khác, tiến độ xây dựng và bán hàng của họ nhanh gấp đôi. Vậy khi xác định giá trị thị trường, dòng tiền có bị ảnh hưởng bởi yếu tố này hay không?
Câu hỏi của bạn này sâu hơn ở chỗ: Nếu như dòng tiền bị ảnh hưởng, giá đất bị ảnh hưởng bởi tiến độ của 1 chủ đầu tư cụ thể, vậy thì phải chăng phương pháp thặng dư không “khách quan” vì chỉ đứng trên góc độ của Chủ đầu tư cụ thể ?
Anh cho rằng: “Nếu đứng trên góc độ thị trường, một lô đất được phê duyệt thì đâu quan tâm ai là chủ dự án”. Nếu có 5-7 NĐT có dòng tiền khác nhau thì giá đất sẽ khác nhau, vậy đâu mới là giá trị thị trường.
Đây là câu hỏi rất hay, lại một lần nữa đòi hỏi chúng ta quay về bản chất của phương pháp thặng dư (residual method). Như đã nói nhiều lần, tôi không rõ ai dịch Residual thành “thặng dư” cho sang miệng, nhưng dễ gây hiểu lầm, chứ phương pháp này là “phương pháp phần còn lại” thì đúng bản chất hơn. Nhiều người nghe thặng dư lại liên tưởng tới “giá trị thặng dư” trong kinh tế chính trị, có người thì liên tưởng tới “thặng dư tiêu dùng, thặng dư sản xuất”. Thặng dư trong thuật ngữ “thặng dư tiêu dùng” nó là Surplus, giá trị thặng dư là surplus value, gần với nghĩa của từ khác mà Việt Nam cũng có lúc dịch là Thặng dư (Excess – phần phụ trội), ko phải là Residual (phần còn lại). Trong phương pháp Residual Method, chẳng có bên nào nhận được phần phụ trội, phần thặng dư theo nghĩa Surplus hay Excess cả. Họ chỉ nhận được phần thị trường chấp nhận trả cho họ (đương nhiên ta đang bàn trong điều kiện lý tưởng của phương pháp). Như vậy, những gì đề cập tới "pp thặng dư" (residual method) dưới đây nên được hiểu là phương pháp phần còn lại để tránh hiểu sang nghĩa khác. (Trường hợp chủ đất hưởng surplus chỉ khi giá mảnh đất này đã đc ấn định mà pp thặng dư lại cho KQ cao hơn thì phần cao hơn này là surplus)
Để trả lời câu hỏi này, trước tiên chúng ta phải trả lời câu hỏi điều gì giúp công thức tính của phương pháp thặng dư phản ánh được “giá trị thị trường” của tài sản ?
Trước hết chúng ta nhất trí với nhau rằng, chúng ta đang ước tính giá trị thị trường (market value), không phải giá bán trên thị trường (market price).
Câu hỏi đầu tiên: “điều gì giúp công thức tính của phương pháp thặng dư phản ánh được “giá trị thị trường” của tài sản ?”
Để trả lời câu hỏi này, lại đi từ nguyên lý giá cả thị trường, nó lại bắt nguồn từ bản chất của lý thuyết cung cầu và cơ chế giá ở dạng đơn giản nhất (Thực tế để trả lời câu hỏi to, chúng ta phải trả lời rất nhiều câu hỏi nhỏ, đó là lí do tại sao không có nghiên cứu nào là vô dụng, việc nghiên cứu tìm hiểu cơ chế hoạt động của gen nó cũng quan trọng như việc nghiên cứu ra thuốc HIV vậy. Vì thế các bác đừng vội đánh giá dài dòng nhé.)
Chúng ta đều được học giá thị trường là tại điểm cân bằng giữa 2 cái đường chéo cung – cầu. Về mặt trực quan là vậy, nhưng tại sao nó lại cân bằng và điều gì khiến nó là giá thị trường ? Xin phép bỏ qua những cái khô khan, để tóm gọn lại:
Giá thị trường tại điểm cân bằng là mức giá mà ở đó, không có bên nào (buyers & sellers) có động cơ thay đổi hành vi của mình (*). Nếu 1 người bán nào đó thay đổi hành vi của mình: nếu bán giá thấp hơn, sẽ bị thiệt; nếu bán cao hơn, sẽ không ai mua vì người mua sẽ chuyển sang mua của người bán khác rẻ hơn trên thị trường). Ngược lại, nếu người mua nào đó thay đổi hành vi của mình: nếu mua thấp hơn, sẽ không người bán nào sẵn lòng bán; nếu mua cao hơn, sẽ thiệt. Cơ chế giá là cơ chế phân bổ nguồn lực tối ưu trong xã hội (với điều kiện thị trường ko bị méo mó).
Đối với các hàng hóa có giao dịch phổ biến trên thị trường như laptop, điện thoại, ô tô-xe máy (không chuyên dụng), chúng ta có đủ thông tin để sử dụng pp so sánh và đương nhiên lãi vay không ảnh hưởng gì tới ước tính giá thị trường theo phương pháp này. Lãi vay chỉ ảnh hưởng tới ước tính giá trong các phương pháp như phương pháp chi phí, phương pháp thu nhập, phương pháp thặng dư,….
Quay lại với phương pháp thặng dư; tại sao giá đất xác định chỉ bằng tính toán toán học mà lại ra được giá thị trường ?
Mức giá đất được xác định bằng phương pháp residual method phản ánh giá thị trường thông qua việc hài hòa lợi ích các bên (điều kiện lý tưởng), tại mức giá đất này không bên nào có động cơ thay đổi hành vi của mình. (Ở đây đang xét giả định có 3 bên tham gia vào dự án, vì ở VN khi định giá đất dự án bằng pp thặng dư, ông chủ đất thường là nhà nước. Ko phải vì vậy mà chúng ta loại trừ trường hợp chỉ có 1 bên tham gia dự án, trong đó chủ đất, chủ ĐT là 1 người và ko vay ngoài)
- Ông chủ nợ muốn giành phần hơn, nhưng các bên còn lại chỉ cho ông hưởng phần lãi vay theo lãi suất thị trường chấp nhận, hoặc người ta sẽ đi vay chỗ khác.
- Ông chủ đất muốn hạ thấp phần đc nhận của ông chủ đầu tư xuống để giá đất của ông cao lên, nhưng nếu ko đạt lợi nhuận trung bình thì sẽ ko có chủ đầu tư nào mua đất của ông để làm dự án.
- Ông chủ đầu tư muốn bơm lợi nhuận đòi hỏi của mình lên để giảm gía đất (phần ông chủ đất được nhận). Nhưng ông chủ đất sẽ ko đồng ý và chỉ đồng ý cho ông CĐT phần lợi nhuận trung bình ngành vì nếu thấp hơn sẽ không NĐT nào mua đất. Nếu NĐT đòi cao hơn, ông chủ đất sẽ giao cho những NĐT khác trên thị trường đòi hỏi mức LN thấp hơn.
Điểm cân bằng chính là khi các bên tham gia đạt được mức mà thị trường chấp nhận trả cho họ, mà ở đó họ không có cách nào giành phần hơn, và sẽ ko làm nếu không được đáp ứng phần kỳ vọng, do đó họ sẽ đồng ý trao đổi tài sản của mình (đất, vốn bằng tiền,...) để đổi lấy phần lợi ích từ dự án. Hay nói khác, họ không có động cơ thay đổi hành vi của mình. Đạt điểm cân bằng của cơ chế giá trong quan hệ cung cầu, tại đó, bên mua và bên bán không có động cơ thay đổi hành vi của mình.
Qua đó, giá đất theo pp này thể hiện đc giá trị thị trường.
Quay lại câu hỏi của bạn đọc, vậy "Trong pp thặng dư, khi dự án nằm trong tay 1 ông lớn (ví dụ VIN, SUN), họ có tiềm lực mạnh hơn hẳn so với chủ đầu tư khác, tiến độ xây dựng và bán hàng của họ nhanh gấp đôi. Vậy khi xác định giá trị thị trường, dòng tiền có bị ảnh hưởng bởi yếu tố này hay không?"
Nếu tiến độ xây dựng nhanh hơn thì thời gian hoàn vốn nhanh hơn. Dòng tiền chi (mà mình vẫn hay ước tính dựa vào chi phí), sẽ ngắn, giảm được nguy cơ đội vốn. Dòng tiền thu sẽ dồn nhiều vào những năm đầu hơn, do tốc độ bán hàng nhanh gấp đôi, (làm cho giá trị hiện tại của dòng tiền thu về sẽ cao hơn nếu cùng một discount rate do giá trị hiện tại của tiền tại tương lai càng xa thì càng thấp, vì công thức chúng ta đã chia cho (1+ tsck)^n.
Nhưng ko phải vì họ làm tốt hơn nên bị "phạt" bằng việc phải mua giá đất cao hơn (vì dòng tiền nhiều hơn). Họ làm tốt, chi phí cơ hội của vốn cao hơn sẽ làm tỷ suất chiết khấu cao, hiện giá của dòng tiền vẫn thấp, vì vậy giá đất ước tính không bị cao hơn các NĐT khác trên TT.
Các NĐT khác (vẫn đảm bảo phát huy được tiềm năng phát triển của đất) nhưng tiến độ chậm hơn, dòng tiền dàn trải ra các năm sau (yếu hơn) nhưng Re thấp nên hiện giá của các dòng tiền tương lai vẫn tương tự.
Kết quả giá đất vẫn sẽ như nhau cho dù NĐT là ai. Vấn đề ở chỗ cách chúng ta xác định discount rate cho phù hợp.
---------------
(*): John P. Burkett
The price at which the demand and supply curves intersect is the market-clearing price. At this price the quantities demanded and supplied are equal. In that sense, both buyers and suppliers are satisfied with the quantity traded, and neither is motivated to behave differently.
Since buyers and sellers have no reason to change their behavior, the market clearing price is an equilibrium price—that is, a price that can persist. When product’s price is at its market clearing level and the product’s demanders and suppliers buy and sell the quantities they prefer at that price, economists say the market for that good is in equilibrium. Economic equilibrium may be defined as a situation that can persist because no one involved in the situation has an incentive to change his or her behavior.

13/03/2024

Bài học về định giá từ WeWork: Vấn đề những con số kế toán không chuẩn mực

Bài viết này của anh Hồ Quốc Tuấn đăng trên tạp chí Thesaigontimes vào năm 2019, nhưng nay link không còn truy cập được. Tôi re-up để các bạn quan tâm có thể đọc.

Đầu năm 2019, WeWork được định giá 47 tỉ đô la Mỹ. Tới tháng 9-2019, WeWork đã phải cắt giảm giá trị cổ phiếu tới hơn một nửa so với kỳ vọng ban đầu, xuống còn 20-30 tỉ đô la Mỹ. Đến cuối tháng 9, công ty chấm dứt kế hoạch phát hành cổ phiếu ra công chúng (IPO).

Lịch sử tư vấn định giá của WeWork chứa đựng nhiều thông tin thú vị. JPMorgan định giá trong khoảng 46-63 tỉ đô la Mỹ, Goldman Sachs cho rằng giá trong khoảng 61-96 tỉ đô la Mỹ, còn Morgan Stantely thì ước tính giá vào khoảng 43-104 tỉ đô la Mỹ (một khoảng giá trị rất rộng!).

Trong nhiều ngày qua đã có nhiều bài báo viết về các khía cạnh khác nhau của WeWork, như công ty này có phải công ty công nghệ không, “đàn cừu” đã hứng khởi một cách phi lý như thế nào (lưu ý là trong số “đàn cừu” đó có những “đại gia” như Masayoshi Son của SoftBank). Người ta nhắc lại câu chuyện về cái chết của những công ty khởi nghiệp - startup kỳ lân (unicorns). Và còn nhiều nữa.

Trong bài này tôi xin đề cập đến một vấn đề khô khan hơn một chút, nhưng là một tín hiệu cảnh báo về rủi ro định giá sai vì dựa trên những con số báo cáo không đáng tin cậy, và điều này không chỉ áp dụng cho công ty công nghệ. Đó là chuyện định giá dựa trên những thước đo giá trị không đáng tin cậy, không được kiểm toán, nhưng lại đang được áp dụng rộng rãi.

Câu chuyện những con số EBITDA được điều chỉnh và những thước đo không theo chuẩn mực kế toán

Trong câu chuyện của WeWork, có một khái niệm kế toán được báo chí chú ý, đó là con số EBITDA đã điều chỉnh cộng đồng (Community Adjusted EBITDA). Nói nôm na, đây là một con số lợi nhuận kế toán nhưng đã được “điều chỉnh” bằng cách cộng ngược trở lại (cộng thêm) rất nhiều loại chi phí kế toán đã được trừ khi tính số liệu lợi nhuận theo chuẩn mực kế toán (lợi nhuận bằng doanh thu trừ chi phí). Nói nôm na là bạn làm lợi nhuận điều chỉnh cao hơn lợi nhuận theo chuẩn mực kế toán.

Những chi phí đó bao gồm chi lương thưởng dưới hình thức cổ phiếu, thuế, lãi vay, khấu hao, và thậm chí cả những chi phí tiền thuê, điện nước, Internet, chi phí lương công nhân xây dựng, trong đó bao gồm cả những mục chi phí lớn nhất của WeWork. Nói chung, WeWork tranh luận rằng đây là những chi phí “hoạt động xây dựng cộng đồng” và vì vậy con số lợi nhuận kế toán theo chuẩn mực kế toán thông thường không thể phản ánh đúng chất lượng hoạt động của công ty, mà cần dùng con số EBITDA đã điều chỉnh cộng đồng.

Nói cách khác, định giá dùng phương pháp giá/EBITDA (P/EBITDA) thì muốn ra con số giá nào cũng được, chỉ cần chọn một con số P/EBITDA mà mình thích.

Không dừng ở đó, WeWork còn sáng tạo ra một loạt chỉ tiêu mà giới kế toán nghe là nhức đầu: EBITDA điều chỉnh trước đầu tư tăng trưởng (Adjusted EBITDA before Growth Investments), và doanh thu dịch vụ và phí thành viên trung bình trên mỗi thực thể thành viên (ARPPM - annual average membership and service revenue per physical member).

Vì sao các kế toán viên nhức đầu khi thấy những con số này? Vì chúng chẳng phải là số liệu kế toán chuẩn mực. Các số liệu kế toán chuẩn mực như doanh thu, lợi nhuận thường thấy phải tuân thủ theo các chuẩn mực kế toán quốc gia hoặc quốc tế, gọi chung là số liệu kế toán GAAP (Generally Accepted Accounting Principles).

Thế nhưng theo thời gian, người ta cho rằng có những công ty đặc thù, như công ty công nghệ, có rất nhiều chi phí đặc thù không nên được tính, ví dụ như lương thưởng dưới hình thức cổ phiếu. Ngoài ra, người ta còn cho là số liệu lợi nhuận GAAP không phản án đúng dòng tiền vì có những chi phí kế toán như khấu hao không thực sự là những khoản tiền mặt chi ra. Và cuối cùng, có những chi phí chỉ diễn ra không thường xuyên, như vài năm một lần, vì vậy không nên được tính vào thước đo lợi nhuận.

Thế là vì mục đích định giá chính xác hơn dựa trên giá trị kinh tế thực của công ty, người ta bắt đầu sáng tạo ra nhiều loại thước đo không tuân theo chuẩn mực kế toán, mà dân trong nghề gọi là thước đo non-GAAP (non-GAAP measures).

Một trong những con số non-GAAP hết sức phổ biến là các thước đo EBITDA được điều chỉnh (adjusted EBITDA). Điều thú vị là mỗi một công ty sẽ có một cách điều chỉnh EBITDA khác nhau, dù là cùng hoạt động trong một ngành. Và mỗi nhà phân tích cổ phiếu của công ty chứng khoán cũng sẽ có những con số EBITDA cho riêng mình, và... khác luôn với con số EBITDA của công ty và các nhà phân tích khác khi định giá.

Nói tóm lại, sử dụng EBITDA điều chỉnh có một nhược điểm rõ ràng: không thể so sánh EBITDA của những công ty khác nhau, bởi vì mỗi công ty điều chỉnh một cách khác nhau. Nói cách khác, định giá dùng phương pháp giá/EBITDA (P/EBITDA) thì muốn ra con số giá nào cũng được, chỉ cần chọn một con số P/EBITDA mà mình thích.

Phổ biến trên thế giới và cả Việt Nam

Thực tế này ngày càng trở nên phổ biến trên thế giới và Việt Nam. Ngày nay, bạn sẽ không khó bắt gặp định giá công ty nào đó ở Việt Nam dùng những con số như EBITDA đã điều chỉnh, lợi nhuận đã điều chỉnh, dòng tiền thuần đã điều chỉnh... Và những con số này cũng xuất hiện trong phần diễn giải về kết quả kinh doanh của công ty trong báo cáo thường niên. Đó thường là vì những con số non-GAAP này lớn hơn con số lợi nhuận kế toán theo chuẩn mực (số GAAP). Và không ít trường hợp số GAAP thì âm nhưng số non-GAAP là dương.

Tất nhiên không phải công ty nào cũng cố tình dùng số non-GAAP như EBITDA điều chỉnh để đánh lừa nhà đầu tư. Có những trường hợp đúng là do đặc thù công ty, con số EBITDA điều chỉnh sẽ phản ánh chính xác hơn hoạt động công ty. Nhưng trong nhiều trường hợp, số non-GAAP sẽ có thể đánh lừa nhà đầu tư để đưa ra định giá cao hơn, vì nhiều công ty sẽ được định giá dựa trên các thước đo như giá/EBITDA điều chỉnh, hay thậm chí điên rồ như là giá/“mực nước biển”. Một đồng nghiệp của tôi đã thốt lên như vậy trong một hội thảo do ICAEW tổ chức ở London cách đây một năm!

Đồng nghiệp tôi nửa đùa nửa thật. Ông đã làm một phân tích bỏ túi hơn chục công ty công nghệ niêm yết ở Mỹ và châu Âu và chỉ ra rằng có hơn một tá các chỉ số định giá mà giới nghiên cứu và đi xây dựng chuẩn mực kế toán chưa từng nghe bao giờ, nhưng đang được các nhà phân tích tài chính sử dụng để định giá các công ty công nghệ phát triển trên nền tảng người dùng đăng ký trả tiền hay mạng xã hội miễn phí, bao gồm cả những công ty niêm yết đại chúng rất phổ biến như Netflix và Facebook.

Có những trường hợp đúng là do đặc thù công ty, con số EBITDA điều chỉnh sẽ phản ánh chính xác hơn hoạt động công ty.

Trong trường hợp của WeWork, Scott Galloway, giảng viên môn tiếp thị của trường kinh doanh Stern thuộc Đại học New York, nói đùa là WeWork có thể đưa ra bất kỳ chỉ tiêu nào, kể cả EBEPW (lợi nhuận trước khi điều chỉnh mức trả lương công bằng cho nữ giới - Earnings Before Equal Pay for Women)! Tất nhiên ông ta chỉ đùa.

Thế nhưng nó cũng phản ánh thực tế là người ta có thể biến lỗ thành lời, lỗ nhiều thành lỗ ít, lời ít thành lời nhiều với khả năng biến hóa vô tận của các chỉ tiêu non-GAAP. Khả năng sáng tạo của con người lớn bao nhiêu thì khả năng biến hóa của các con số non-GAAP lớn bấy nhiêu.

Và các chỉ tiêu này không hề được kiểm toán!

Từ nghệ thuật định giá đến ảo vọng giá trị

Những thước đo “trời ơi” như vậy có thể chỉ là câu chuyện cười của dân trong nghề khi đề cập đến chủ đề này. Thế nhưng với giới quản lý thông tin tài chính trên thị trường như SEC (Securities and Exchange Commission) của Mỹ hay FRC của Anh, nó là chuyện cực kỳ nghiêm túc.

Thời nay ai cũng tin rằng định giá công ty là nghệ thuật chứ không phải khoa học, và tôi cũng tin là như vậy. Trong bối cảnh đó, việc giới phân tích và nhà đầu tư dễ dàng chấp nhận một con số non-GAAP không được kiểm toán và các phương pháp định giá dựa trên nó dễ dẫn đến những ảo vọng giá trị, biến một công ty vỏ rỗng thành công ty tỉ đô, chỉ vì người ta định giá dựa trên tương lai của công ty chứ không phải hiện tại (vì hiện tại toàn lỗ thì làm sao định giá!).

Khác với một số đồng nghiệp cố gắng tìm cách hạn chế lạm dụng non-GAAP ở các công ty công nghệ, tôi nghĩ nỗ lực đó rất khó làm được gì hơn vì bản thân công ty công nghệ là không rõ ràng trong... mọi thứ, từ sản phẩm, chiến lược cho đến câu chuyện. Trong trường hợp lừa đảo ở Theranos, công ty một thời được định giá tỉ đô trước khi bị phát hiện lừa đảo của Elizabeth Holmes, số liệu kế toán không phải là trọng tâm. Đó là vì sản phẩm cơ bản của công ty là một trò lừa rồi.

Trong trường hợp lừa đảo ở Theranos, công ty một thời được định giá tỉ đô trước khi bị phát hiện lừa đảo của Elizabeth Holmes, số liệu kế toán không phải là trọng tâm. Đó là vì sản phẩm cơ bản của công ty là một trò lừa rồi.

Tôi nghe không ít bạn bè dân làm công nghệ kể có những công ty sản phẩm toàn lỗi trong phần mềm (bạn tôi nói nôm na là code đầy lỗi, mô hình chạy được độ chính xác chừng 70% nhưng khi gọi vốn thì trưng ra kết quả tốt nhất cho thấy độ chính xác tới 90%!), và cứ thế đem đi gọi vốn. Điều ngạc nhiên là một số người đó vẫn gọi được vốn, hy vọng đem tiền về... vừa “đốt” vừa sửa code (không biết có sửa được không).

Người ta đầu tư vào những công ty đó chỉ là vì đặt niềm tin vào đội ngũ lãnh đạo và hy vọng những con người khởi nghiệp đầy nhiệt huyết đó sẽ biến đá thành vàng. Và trong vài trăm ngàn công ty như vậy, chắc chắn rồi sẽ có một Amazon hay Google. Vấn đề không biết là cái nào thôi (vì họ đều làm những thứ gần giống nhau). Và những con số kế toán đáng tin cậy hơn ở những công ty đó cũng chẳng giúp ích gì (vì đa phần chúng là số âm). Vì vậy, tôi nghĩ vai trò số liệu kế toán trong định giá ở những công ty startup hay công ty công nghệ đã niêm yết chỉ là phần phụ, vì có sự bất cân xứng thông tin trong rất nhiều thứ quan trọng hơn.

Các công ty niêm yết đại chúng cũng lạm dụng số liệu non-GAAP và kinh nghiệm quản lý của SEC.

Tôi cho rằng điều đáng quan tâm hơn của việc lạm dụng số liệu non-GAAP là ở chính các công ty niêm yết đại chúng đã trưởng thành và ổn định. Rất nhiều công ty lớn không làm gì liên quan đến công nghệ cũng sử dụng các số liệu non-GAAP. Đây là mối quan tâm chủ chốt của SEC ở Mỹ. Quan điểm chủ đạo của SEC cho rằng người ta có thể lừa nhà đầu tư dựa trên các số liệu non-GAAP tô hồng hoạt động của công ty. Do đó, SEC đã buộc công ty khi công bố số liệu non-GAAP phải có một bảng chi tiết hướng dẫn cách mà số non-GAAP có thể được tính ra từ số GAAP (gọi là reconciliation).

Một trong những bài học từ trường hợp WeWork là về tình trạng thiếu kiểm soát của việc lạm dụng những chỉ tiêu kế toán không theo chuẩn mực, những thứ có thể tạo ra ảo vọng về giá trị đối với nhà đầu tư đại chúng.

Đồng thời SEC cũng yêu cầu các công ty khi trình bày các số liệu non-GAAP, phải dẫn luôn số liệu GAAP đi kèm. SEC yêu cầu số liệu GAAP phải được trình bày với mức độ ngang hoặc nhiều hơn số non-GAAP, một điều còn gây tranh cãi rất lớn ở Mỹ ở góc độ thực thi và tuân thủ. Dù vậy, tháng 12-2018, SEC đã phạt một công ty 100.000 đô la Mỹ vì đã dẫn số liệu non-GAAP (EBITDA điều chỉnh, lợi nhuận ròng điều chỉnh) trong bản trình bày lợi nhuận cho nhà đầu tư mà không đưa số liệu GAAP có liên quan một cách rõ ràng.

Vì sao SEC phải lo ngại như vậy? Vì họ biết có một thực tế rằng các công ty niêm yết Mỹ thuê những công ty tư vấn viết báo cáo tài chính và huấn luyện trình bày số liệu kinh doanh cho cổ đông theo cách cố tình nhấn mạnh những con số lợi nhuận “đẹp” (đa phần là non-GAAP), che đi số lợi nhuận xấu. Nó có thể khiến những nhà phân tích cổ phiếu thân thiết với công ty đưa ra những định giá “trên trời” dựa trên những con số giá/số non-GAAP và thuyết phục nhà đầu tư tin vào ảo vọng giá trị đó.

Nếu như thị trường công ty khởi nghiệp là thị trường của nhà đầu tư có kinh nghiệm, chấp nhận rủi ro để kiếm những công ty kỳ lân thật sự, thì thị trường chứng khoán đại chúng không như vậy. Vì vậy, việc các công ty niêm yết đại chúng sử dụng con số non-GAAP thì cần phải được kiểm soát chặt và nhà đầu tư đại chúng phải được cảnh báo về chúng.

Ngày nay, tôi thấy ngày càng nhiều con số định giá dựa trên EBITDA, lợi nhuận điều chỉnh, trong các báo cáo phân tích công ty ở Việt Nam, và thường thấy báo chí nói về những con số lợi nhuận lõi, lợi nhuận đã điều chỉnh. Về cơ bản, đó chính là dấu hiệu cho thấy sự phổ biến của các con số non-GAAP ở Việt Nam. Cơ quan quản lý thị trường có lẽ nên tham khảo cách làm của SEC trước khi quá muộn.

Bài học định giá từ WeWork vì vậy không chỉ cho chúng ta cảnh báo về những công ty khởi nghiệp “giả danh” công ty công nghệ, mà còn là những cảnh báo về tình trạng thiếu kiểm soát của việc lạm dụng những chỉ tiêu kế toán không theo chuẩn mực, những thứ có thể tạo ra ảo vọng về giá trị đối với nhà đầu tư đại chúng. Ở một thị trường có nhiều nhà đầu tư cá nhân không hiểu biết nhiều về báo cáo tài chính và kế toán như Việt Nam, chuyện này không thể xem thường.

01/03/2024

Tình huống thẩm định giá doanh nghiệp dự kiến tăng vốn trong tương lai

Tại thời điểm 31/12/N, DN A có vốn điều lệ là 120 tỷ đồng, tương ứng với 12 triệu cổ phiếu. Theo kế hoạch đầu tư phát triển, cuối năm thứ 2, Công ty sẽ tăng vốn thêm 50 tỷ đồng và cuối năm thứ 4, Công ty tiếp tục bổ sung vốn thêm 100 tỷ đồng để mở rộng hoạt động sản xuất kinh doanh.

Việc tăng vốn và mở rộng sản xuất kinh doanh làm tăng trưởng doanh thu kỳ vọng các năm tiếp theo cao hơn so với trường hợp không đầu tư mở rộng. Sau khi ước tính, thẩm định viên thấy dòng tiền FCFF (và cả FCFE) kỳ vọng cũng tăng lên.
Nhiệm vụ: Thẩm định viên phải ước tính giá trị vốn cổ phần của DN A tại ngày 31/12/N.
Thẩm định viên đã quyết định thực hiện chiết toàn bộ dòng tiền FCFF kỳ vọng trong tương lai (đã gồm ảnh hưởng của việc tăng vốn) về hiện tại rồi trừ đi nợ vay, sau đó chia cho 12 triệu cổ phiếu ban đầu (tại ngày 31/12/N). 
Nếu sử dụng FCFE, Thẩm định viên sẽ chiết khấu FCFE kỳ vọng trong tương lai về hiện tại sau đó chia cho 12 triệu cổ phiếu ban đầu (tại ngày 31/12/N).
Câu hỏi: Cách làm này liệu có phù hợp không ? Hãy đề xuất cách làm phù hợp (nếu có) và giải thích lý do của các bạn.
---
Đây là một tình huống rất hay gặp, nhiều người tưởng dễ nhưng lại là... dễ nhầm. 

Thông lệ sai lầm: Giá đất TMDV = 70-80% giá đất ở cùng vị trí

Từ năm 2022 trở về trước, tôi nhiều lần nói thông lệ tính giá đất TMDV bằng 70-80% giá đất ở cùng vị trí là cách làm sai, làm vo; nhưng cái ...